Đó là ý kiến của PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy khi đề cập đến vấn đề số điện thoại đường dây nóng trong bệnh viện.
"Ở các bệnh viện khác tính hiệu quả của đường dây nóng đến đâu chúng tôi không rõ nhưng tại Chợ Rẫy mỗi khi chuông điện thoại đường dây nóng vang lên các phòng ban có liên quan đều chạy đôn chạy đáo. Mọi phản ánh qua đường dây nóng đều công khai trong các cuộc họp giao ban bệnh viện, mọi hành vi sai phạm đều bị xử lý nên mỗi khi nghe chuông điện thoại đường dây nóng chúng tôi đều có chung cảm giác sợ mình chưa làm hết trách nhiệm với người bệnh." BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.
Cụ thể, nội dung người bệnh phản ánh nhiều nhất là thái độ, hành vi của nhân viên y tế bệnh viện chưa tốt, chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 30%); kế đến là quy trình công tác khám chữa bệnh còn nhiêu khê, người bệnh phải chờ quá lâu, tình trạng thiếu thuốc điều trị, tình trạng móc túi lừa đảo trong bệnh viện…
Có mặt tại các khoa khám, chữa bệnh, cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai sáng ngày 28/11, rất khó để tìm thấy 1 thông báo nào về đường dây nóng của bệnh viện. Chính vì vậy, hầu hết các bệnh nhân đều không hề biết đến đường dây nóng là gì.
Bị bệnh tiểu đường nhiều năm nay, bà Dương Thị Thanh Thìn (74 tuổi, trú TP Pleiku) cho biết, bà phải thường xuyên vào bệnh viện tỉnh để khám bệnh theo diện bảo hiểm. Theo bà, các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh khiến người tuổi cao, sức khỏe yếu như bà cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, thái độ của một số y, bác sĩ khá mất lịch sự, nạt nộ, chưa tôn trọng người lớn tuổi. Tuy khó chịu là thế nhưng bà vẫn "tự chịu" vì chẳng biết nói với ai: "Nếu tôi thấy ở đây có đường dây nóng thì tôi đã ghi lại vào sổ để gọi rồi", bà Thìn bộc bạch.
Không chỉ khoa Khám chữa bệnh, Cấp cứu… mà hầu hết các khoa khác trong BV tỉnh Gia Lai, đặc biệt là khoa Sản, nơi có nhiều sản phụ tử vong năm 2012, đều không hề có thông báo về số điện thoại đường dây nóng và những bệnh nhân và người nhà đều không biết gì về đường dây nóng của BV.
Trao đổi với PV, bác sĩ Bạch Anh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, BV đã có đường dây nóng cách đây vài năm rồi và đã cho dán ở cửa các khoa, nơi đông người, những chỗ dễ nhìn…. Cũng theo ông Hùng, thì đã có rất nhiều người gọi điện đến đường dây nóng của BV để phản ánh về một số vấn đề như: thắc mắc về thủ tục hành chính, vì sao bệnh viện không cho vào thăm (22h tối)…
Tuy nhiên, khi dẫn phóng viên Dân trí đi "mục sở thị" thì chỉ thấy duy nhất 1 tờ thông báo về đường dây nóng dán bên trong của khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. "Chúng tôi đã làm biển mi-ka thông báo về đường dây nóng, trong hôm nay hoặc ngày mai chúng tôi sẽ cho treo lên ở các khoa", ông Xuân, Trưởng khoa Hành chính tổng hợp, cho biết.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng, PGĐ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết BV đã lập đường dây nóng từ năm 2007. Đường dây nóng bao gồm số điện thoại của 12 người gồm Ban giám đốc và các trưởng khoa, phòng.
"Có 60% số lượng cuộc gọi với tinh thần trách nhiệm cao như hỏi về chuyên môn, tư vấn sức khỏe như con mình bị đau phải đi chỗ nào khám, khám như thế nào. Còn lại 40% gọi quấy rầy, những chuyện tầm bậy, vớ vẩn", ông Phó Giám đốc bệnh viện cho biết.
Người dân đã phản ánh hai chiều như cách sắp xếp nhập viện, ra viện chưa hợp lý mà đặc biệt là ra viện còn chậm. Qua báo cáo lên, chúng tôi đã chấn chỉnh trong những buổi giao ban. Hiện BV đã mở rộng nhiều phòng khám, phòng thanh toán, các khoa phải làm thủ tục trước khi bệnh nhân ra viện và phân lịch để rải đều, tránh ùn tắc trong ngày nên đến nay tình trạng nhập-ra viện đã hợp lý hơn. Từ 1 năm nay trở lại, bệnh nhân rất ít phản ánh việc này nên đây là ưu điểm của đường dây nóng. Ngoài ra, có một số ít nhỏ điện thoại đường dây nóng phản ánh về thái độ của viên chức, điều dưỡng, hộ lý, bảo vệ không tốt, còn bác sĩ thì hầu như không có.
Ở bệnh viện cũng có Hội đồng người bệnh sinh hoạt hàng tuần với các phòng kế hoạch tổng hợp, điều dưỡng. Qua đó, phản ánh những mặt tốt và chưa tốt. Chúng tôi căn cứ vào đó để nhắc nhở, chấn chỉnh, biểu dương nhân viên mình. Khoa nào qua 1 năm bị người ta chê nhiều sẽ ảnh hưởng đến thi đua. Kết hợp từ đường dây nóng và nhiều nguồn khác phản ánh lên, khi giao ban toàn bệnh viện, chúng tôi đọc những mặt tồn tại hạn chế hay mặt tích cực cho tất cả 60 đơn vị nên người tốt sẽ có động lực làm tốt hơn, người không tốt sẽ phải cố gắng hơn nữa - PGS Thăng nói.
Đối với một số đối tượng đã có lần điện thoại đến chửi bới, hay nói nhảm, BS Thăng cho hay làm sao phải có một chế tài để quản lý. Bệnh viện thậm chí đã mời công an PA83 đến điều tra, sao tìm ra số CMND người đăng ký nhưng là số CMND giả. Điều này đặt ra vấn đề quản lý về quản lý số điện thoại hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Bình luận của bạn