“Nóng” cả 3 cấp
Đường dây nóng tại các bệnh viên đã phát huy tác dụng tốt
Hiệu ứng tức thì
Đường dây nóng cũng đã có những hiệu ứng tức thì đối với người bệnh. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết có trường hợp có cháu bé 5 tháng tuổi ở Long An bị từ chối tiêm phòng ở trạm y tế xã Lộc An, huyện Đức Hòa vì không có hộ khẩu thường trú tại đây.
“Sau khi phản ánh tới đường dây nóng của Bộ Y tế, sau 2 tiếng, cháu bé này đã được tiêm phòng”, ông Trường cho hay.
Trước đó, bệnh nhân đã gọi điện đến đường dây nóng của Bộ Y tế phản ánh hiện tượng “cò mồi” tại BV K. Sau khi được “cò” giới thiệu đưa tiền cho “cò”, bệnh nhân đã được dẫn trực tiếp đến các phòng khám mà không phải mất thời gian chờ đợi, tiền viện phí cũng nộp thẳng không có hóa đơn.
Thông qua đường dây nóng của Bộ Y tế, đã có bệnh nhân phản ánh tình trạng bác sỹ, nhân viên y tế nhận phong bì trong mỗi cuộc mổ tại BV này.
Ngay cả việc xảy ra ở các phòng khám tư nhân cũng được người bệnh nhanh chóng phản ánh tới đường dây nóng. Có bệnh nhân phản ánh phòng khám Năm Châu (707 Giải Phóng, Hà Nội) có bác sỹ người Trung Quốc hành nghề, kê đơn thuốc 9 triệu chữa đau dạ dày, thuốc Trung Quốc không có nhãn mác tiếng Việt, vv …
Thông tin này đã được chuyển hỏa tốc đến Sở Y tế Hà Nội. Đoàn thanh tra của Sở đã tiến hành kiểm tra và phát hiện sự thực đúng như người bệnh phản ánh. Sở đã đình chỉ hoạt động của bác sĩ Trung Quốc tại phòng khám này và xem xét rút giấy phép phòng khám.
Sẽ không có chuyện “đầu voi đuôi chuột”
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi gặp mặt báo chí cuối năm 2013 khi được hỏi về việc làm thế nào để hoạt động lâu dài của đường dây nóng ngành y tế không bị “nguội”, chỉ mang tính phong trào, hình thức.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tới đây, Bộ Y tế sẽ cấp 1.400 điện thoại cho các cơ sở y tế để thực hiện hiệu quả hoạt động đường dây nóng.
“Tuy nhiên, đường dây nóng chỉ xử lý ý kiến phản ánh ba tình huống: Thái độ của y bác sĩ; quy trình khám chữa bệnh và phản ánh những gương tốt để động viên thầy thuốc. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên xử lý ngay và nghiêm khắc vấn đề tinh thần phục vụ bệnh nhân của bác sĩ”, Bộ trưởng Tiến nói.
Hiện nay, hoạt động của các đường dây nóng tại các bệnh viện vẫn tiếp tục, song có những bất cập tồn tại khiến hoạt động của đường dây nóng chưa được hiệu quả như mong muốn.
Tại bệnh viện K, ông Bùi Diệu, Giám đốc bệnh viện cho biết bệnh viện có đường dây nóng song không có bộ phận chuyên trách trực 24/24, bác sỹ thì không thể vừa khám bệnh vừa nghe đường dây nóng và xử lý, chuyển thông tin đến nơi giải quyết.
Bởi vậy dù đường dây nóng có đã lâu song vẫn còn tình trạng người bệnh gọi nhưng có khi không có ai nghe, tiếp nhận thông tin rồi nhưng không thấy khắc phục, vv … Tại một số bệnh viện lớn khác, đường dây nóng được dán ở vị trí chưa thuận tiện cho người bệnh nhìn thấy.
Miễn phí cước gọi từ quý I-2014
Tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai đường dây nóng để tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh từ người dân về chất lượng dịch vụ khám chừa bệnh giữa Bộ Y tế và Tổng công ty viễn thông Viettel vào sáng 10/12/2013 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết ban đầu các thông tin phản ánh đến đường dây nóng thông qua số điện thoại 0973.306306 người dân vẫn phải trả phí như cuộc gọi bình thường, nhưng đến quý I-2014 các cuộc gọi đến đường dây nóng sẽ không còn phải mất cước phí cuộc gọi.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày đường dây nóng Bộ Y tế tiếp nhận 50 - 60 cuộc gọi. Với những sự việc khẩn cấp, người tiếp nhận thông tin đường dây nóng sẽ báo ngay với thường trực Bộ Y tế về vụ việc để xử lý. Còn những thông tin khác, Văn phòng Bộ sẽ tổng hợp, gửi công văn yêu cầu bệnh viện kiểm tra, xử lý.
Bình luận của bạn