Empty
Empty

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

Riêng một số nhóm thực phẩm đặc biệt như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi…, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Cũng theo quy định hiện hành, các sản phẩm nói trên đều được áp dụng cơ chế hậu kiểm. Điều này có nghĩa là khi công bố sản phẩm, các tổ chức, cá nhân không phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan chức năng về sản phẩm mình công bố. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện sau khi sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Việc chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là một trong những nội dung quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ, từ đó có thêm cơ hội phát triển… Điều này cũng phù hợp với xu hướng của thế giới.

Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, cơ chế hậu kiểm đã tạo ra “lỗ hổng” lớn để hàng giả tung hoành. Điều này được phơi bày rõ nét khi thời gian qua các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện hàng trăm loại sữa, thực phẩm chức năng, thực phẩm, thuốc giả, được lưu hành công khai trên thị trường trong suốt thời gian dài, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

SK+ Lo hong an toan thuc pham-04

Theo Thứ trưởng, nguyên nhân nằm ở ba yếu tố: thể chế pháp luật tuy tương đối đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện ở một số điểm; khâu thực thi còn lỏng lẻo; và đặc biệt là ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp và người tiêu dùng còn hạn chế.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, hiện nay dù đã có Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm cùng nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ ngành, tình trạng thuốc và thực phẩm chức năng giả vẫn diễn ra phức tạp, khiến dư luận lo ngại. Điều này chứng tỏ các khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa thực sự đảm bảo tính răn đe và hiệu quả thực thi. Ông yêu cầu các đơn vị rà soát toàn diện quy định hiện hành, đề xuất sửa đổi để chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện.

Cùng quan điểm, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho rằng có một số quy định pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, đã tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.

Cụ thể, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được quyền tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, trừ 4 nhóm được kiểm soát chặt (gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi).

Tuy nhiên, TS Trần Việt Nga thừa nhận, sau 7 năm, cơ chế này bộc lộ nhiều lỗ hổng, tạo cơ hội để một số tổ chức lợi dụng đưa hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành tràn lan, gây khó khăn cho hậu kiểm. Bên cạnh đó, cơ chế hậu kiểm còn chồng chéo giữa các bộ ngành và địa phương, dẫn đến sự buông lỏng trong kiểm soát chất lượng.

SK+ Lo hong an toan thuc pham-05

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, không chỉ Việt Nam, tình trạng thực phẩm giả còn diễn ra trên quy mô toàn cầu. Báo cáo từ các tổ chức quốc tế cho thấy, thiệt hại do thực phẩm giả gây ra lên đến hàng chục tỉ Euro mỗi năm tại Châu Âu và khoảng 40 tỉ USD trên toàn thế giới.

Cục trưởng Trần Việt Nga nhấn mạnh, khi trao quyền cho doanh nghiệp, trách nhiệm của họ phải là cao nhất, phải tuân thủ đúng các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan quản lý ban hành.

Một vấn đề đáng báo động khác là tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan, sai sự thật, thậm chí mạo danh bác sĩ để lừa dối người tiêu dùng. Theo bà Nga, cần có sự điều chỉnh trong các quy định về quảng cáo, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các nền tảng truyền thông trong việc kiểm duyệt nội dung.

SK+ Lo hong an toan thuc pham-06

Trước thực trạng đó, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thực phẩm chức năng, từ năm ngoái, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) đã ban hành Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng. Quy chế gồm 5 chương, 16 điều, chỉ ra cụ thể những hành vi được coi là vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, nêu rõ những chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo và các biện pháp hạn chế vi phạm đạo đức quảng cáo.

Trong khi, năm 2025, Bộ Y tế cũng đã tham mưu với Chính Phủ đề xuất sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng tăng cường giám sát và hậu kiểm. Đồng thời, Bộ cũng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những lỗ hổng hiện tại.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục siết chặt các khâu từ nhập khẩu, sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng; yêu cầu các địa phương tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất thay cho kiểm tra định kỳ; nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe.

SK+ Lo hong an toan thuc pham-07

Đánh giá về những “lỗ hổng” pháp lý bộc lộ rõ sau loạt vụ việc sữa giả, kẹo không đạt chất lượng và các sản phẩm dinh dưỡng công bố một đằng, sản phẩm một nẻo, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần xem xét toàn diện lại cơ chế tự công bố sản phẩm.

Đặc biệt là đối với nhóm thực phẩm chức năng, sữa bột, bánh kẹo dinh dưỡng - những sản phẩm hướng đến trẻ em, người cao tuổi, người bệnh… các đối tượng vốn nhạy cảm với chất lượng dinh dưỡng và dễ bị tổn thương nếu sử dụng phải sản phẩm sai lệch thành phần.

Theo Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, dự thảo Nghị định 15 sửa đổi do Bộ Y tế chủ trì đang có một số điểm đáng ghi nhận như: Siết chặt quy trình tự công bố, bổ sung mục thuyết minh công thức sản phẩm, kiểm soát kỹ các yếu tố như thành phần, công dụng, đối tượng sử dụng; yêu cầu công bố lại khi có thay đổi về cơ sở sản xuất, xuất xứ, thành phần... Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải công khai minh bạch trong vòng 7 ngày và thực hiện rà soát trong 3 tháng sau tự công bố.

Tuy nhiên, Dược sĩ Hoàng cho rằng, điều quan trọng hơn là cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn định lượng các hoạt chất chính trong thực phẩm chức năng, nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "lập lờ đánh lận", công bố chung chung nhưng quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

SK+ Lo hong an toan thuc pham-08

Bên cạnh đó, theo phần lớn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và người dân đều cho rằng, để có thể khắc phục những bất cập, hạn chế, bịt “lỗ hổng” hậu kiểm, trước hết và quan trọng nhất là cần phải phân định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm giữa các bộ, ngành chức năng và các địa phương.

Điều này nhằm giải quyết triệt để tình trạng vừa chồng chéo, vừa “bỏ trống trận địa” trong quản lý dẫn tới việc “một mâm cơm 5 người quản lý” nhưng thực chất trách nhiệm lại không thuộc về ai.

Empty

Từ lâu, thị trường mỹ phẩm và thực phẩm chức năng tại Việt Nam được ví như “miếng bánh béo bở” nhưng cũng đầy rủi ro. Không ít người tiêu dùng từng rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” vì sản phẩm giả, kém chất lượng, quảng cáo thổi phồng công dụng như thần dược.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đưa ra cam kết mạnh mẽ: siết chặt quản lý, thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, đặc biệt là trên không gian mạng.

Sau gần một năm nhìn lại, lời hứa đó cũng đã không chỉ nằm trên giấy.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện đúng cam kết.

Đầu tiên là việc ban hành hàng loạt công văn chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, đặc biệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, lĩnh vực vốn có nhiều lỗ hổng về pháp lý và giám sát. Những động thái này không chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản, mà đã đi vào thực chất.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược đã thu hồi 58 số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm, đình chỉ và tiêu hủy nhiều lô sản phẩm vi phạm, xử phạt gần 600 triệu đồng. Đây là con số đáng chú ý, cho thấy cơ quan chức năng không còn “nhẹ tay” với các hành vi vi phạm, dù ở cấp độ cá nhân hay doanh nghiệp.

Điểm đáng ghi nhận là sự chuyển mình trong cách tiếp cận. Thay vì chỉ tập trung vào kiểm tra tại các cửa hàng, nhà máy sản xuất, Bộ Y tế đã mở rộng “mặt trận” sang không gian mạng, nơi đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, hàng loạt fanpage, kênh livestream, tài khoản thương mại điện tử đã được rà soát. Trong đó, nhiều trường hợp quảng cáo gây hiểu nhầm, đánh lừa người tiêu dùng, ví dụ như gán công dụng “chữa bệnh” cho mỹ phẩm đã bị xử lý. Đây là bước tiến mạnh mẽ và cần thiết trong bối cảnh mạng xã hội đang trở thành “chợ” mỹ phẩm và thực phẩm chức năng lớn nhất hiện nay.

Báo cáo của Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh vai trò của phối hợp liên ngành, điều vốn bị xem là điểm yếu trong công tác quản lý trước đây. Lần này, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với công an, quản lý thị trường và các cơ quan truyền thông để trao đổi, xác minh và xử lý thông tin vi phạm.

Nhờ đó, các vụ việc như mỹ phẩm giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại đã được điều tra và xử lý triệt để hơn. Hệ thống thông tin về vi phạm cũng được chia sẻ liên thông giữa các cơ quan, góp phần giảm độ trễ trong phản ứng chính sách.

Nếu như công tác quản lý mỹ phẩm đã có những chuyển biến mạnh mẽ thì ở lĩnh vực thực phẩm chức năng, sự thay đổi vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu.

Theo báo cáo, từ đầu năm 2025 đến giữa tháng 4, Bộ Y tế mới xử phạt 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với tổng số tiền gần 370 triệu đồng. So với quy mô thị trường thực phẩm chức năng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, con số này vẫn còn khiêm tốn.

Bên cạnh việc xử phạt, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đặc biệt trong việc công khai sản phẩm vi phạm, cảnh báo người tiêu dùng và theo dõi hoạt động quảng cáo online. 

Việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, doanh nghiệp vi phạm, sản phẩm bị thu hồi... sẽ giúp tạo ra một nền tảng công khai, minh bạch, đồng thời là cơ sở để các cơ quan liên ngành phối hợp hiệu quả hơn.

Thuốc giả, thực phẩm giả là mối nguy của toàn xã hội, không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, đến sự phát triển của giống nòi… Bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ là thực thi pháp luật mà còn là đạo đức, trách nhiệm của mỗi người. 

Lời hứa của Bộ trưởng Y tế về siết chặt quản lý không còn là khẩu hiệu. Nhưng để lời hứa ấy phát huy hiệu quả bền vững, trả lại sự “trong sạch” cho thị trường, vẫn cần thêm sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía như cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng.

SK+ Lo hong an toan thuc pham-10
SK+ Lo hong an toan thuc pham-11
 
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý