Gần 18.000 ca chân tay miệng trong 4 tháng đầu năm 2014

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tay chân miệng đã xuất hiện tại 62 địa phương. Dù tổng số mắc giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng một số tỉnh, thành lượng bệnh nhân tăng cao như TP HCM - gần 2.700 ca, tăng 29%; Bà Rịa-Vũng Tàu - hơn 1.100 ca, tăng hơn 34%; Cà Mau - gần 940 ca, tăng hơn 15%; Kon Tum - 112 ca, tăng gần 70%...


Các bệnh viện tại Hà Nội cũng bắt đầu tiếp nhận một số ca bệnh. Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai mỗi tuần có khoảng 10 trẻ mắc tay chân miệng đến khám. Đa phần ca bệnh đều nhẹ, chủ yếu điều trị tại nhà. Từ đầu năm đến nay, khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 3 trẻ nhập viện. Sau một ngày theo dõi, các bé được xuất viện.

Phó giáo sư Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời điểm này hàng năm số ca tay chân miệng thường nhiều hơn. Năm nay có thể vì thời tiết ẩm, lạnh và các bệnh cúm, sởi kéo dài nên tay chân miệng chưa có nhiều.

[Caption]

Đặc trưng của bệnh là các bọng nước ở tay, chân và niêm mạch miệng

Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dù số ca mắc thấp nhưng không vì thế mà Bộ không quan tâm. Bộ đang xem xét những vùng nào có trẻ mắc và có nguy cơ cao để can thiệp, tránh lây lan.

“Hà Nội và TP HCM là hai nơi có nguy cơ cao về bệnh tay chân miệng. Khó khăn của việc phòng chống là chưa có vắcxin”, tiến sĩ Phu nói.

Tại nước ta, bệnh rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Số ca mắc trung bình hàng năm khoảng 100.000 - 150.000 và 30 - 40 trường hợp tử vong. Mỗi năm có hai đỉnh dịch là tháng 3-5 và tháng 9-12.

Tại Việt Nam, dịch tay chân miệng bắt đầu tăng cao trong những năm 2011, 2012 và tiếp tục đà này đến nay. Khoảng 90 đến 95% trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi. Biểu hiện của bệnh thường là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và niêm mạc miệng. Bệnh lây qua đường ăn uống, tiêu hóa.

Khuyến cáo phòng bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống.

3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Quản lý chất thải: Chất thải phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu đủ tiêu chuẩn vệ sinh.

5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện bệnh.

6. Cách ly, điều trị khi phát bệnh: Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.


Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn