Gắp khuyên tai trong thực quản bệnh nhi 5 tháng tuổi

Chiếc khuyên tai được các bác sỹ gắp ra khỏi thực quản bệnh nhi (Ảnh: Bệnh viện Nhi Thanh Hóa)

6 chai nước Dr Thanh có dị vật: Chưa rõ nguồn gốc?

Suýt chết vì sặc hạt hồng xiêm

Lĩnh án tù do bỏ quên 'dị vật' trong mũi bệnh nhân

Hóc dị vật ở trẻ: Những điều cha mẹ cần biết

Cần Thơ : Cứu sống bé 11 tháng tuổi bị mắc dị vật đường thở

Theo BS. Tráng, khoảng 23h ngày 11/3, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận bệnh nhi T.T.H. (5 tháng tuổi, trú tại xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) trong tình trạng quấy khóc nhiều, không chịu bú mẹ, khó thở. Sau khi chụp X-quang cho bé H. và phát hiện có dị vật nằm trên thực quản, ngang mức đốt sống ngực số một của bé, các bác sỹ đã gắp dị vật bằng phương pháp nội soi, lấy ra chiếc khuyên tai từ thực quản bệnh nhi H.

BS. Tráng cho hay, dị vật đường thở và đường ăn ở trẻ em là những tai nạn sinh hoạt có thể tránh được nhưng lại rất hay gặp ở trẻ nhỏ, chiếm tỷ lệ 90% trẻ dưới 4 tuổi. Nếu dị vật rơi vào thanh quản sẽ làm trẻ khàn tiếng, ho. Rơi vào khí quản sẽ gây khó thở từng cơn vì dị vật di động trong khí quản. Nếu dị vật rơi vào phế quản sẽ gây khó thở giống như viêm phế quản hay viêm phổi. Tình trạng này rất dễ nhầm khi chẩn đoán bệnh. Một số trường hợp dị vật quá lớn sẽ gây ngạt thở và có thể tử vong ngay lập tức.

Để phòng tránh trẻ bị hóc dị vật, bố mẹ nên quan tâm và để ý sát sao đến bé, chú ý các biểu hiện của bé. Phụ huynh cần để xa tầm với của trẻ với những vật dụng có kích thước nhỏ. Các vật dụng như đồng xu, bi, pin đồng hồ dạng tròn, bút hoặc nắp bút… là những thứ vừa miệng, nên trẻ hay ngậm và dễ gây ra hóc, mắc.

Ngoài các vật dụng nhỏ thì cha mẹ cũng cần cảnh giác với thức ăn dạng tròn, dạng hạt như nho, hạt lạc, kẹo cứng… Chú ý các thực phẩm có xương sống như cá, tôm, cua khi chế biến thức ăn cho bé. Không cho trẻ dưới 4 tuổi chơi các đồ chơi có kích thước và nhiều chi tiết nhỏ, các đồ chơi trẻ có thể nắm vừa trong lòng bàn tay. Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ chơi đồ chơi an toàn, chỉ cho trẻ những vật dụng, đồ chơi không được phép ngậm hay nuốt.

Khi trẻ chẳng may bị hóc dị vật, các bác sỹ chia sẻ, việc sơ cứu trẻ khi mắc dị vật ở nhà trong một số trường hợp là cần thiết, nhưng chỉ khi trẻ bị hóc, sặc nhẹ. Những lúc này chỉ cần vỗ lưng, ấn ngực để trẻ nôn hoặc nhổ dị vật ra. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ nuốt dị vật làm ngưng thở, tím tái, cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn giúp trẻ dễ thở hơn, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để bác sỹ có chuyên môn lấy ra.

Sau khi gắp dị vật ra khỏi thực quản, sức khỏe bé H. tiến triển tốt. Bé bú mẹ bình thường, chơi ngoan và vừa được xuất viện.

M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin