Gây mê trong phẫu thuật ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo bác sỹ Đào Kim Dung, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Việt Đức: Phẫu thuật gây mê tác động đến khả năng học tập của trẻ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ được mổ nhiều lần dưới 2 tuổi: 36,6% bị suy giảm khả năng học tập sau này trong đời. Ở những trẻ được phẫu thuật 1 lần: 23,6% bị suy giảm khả năng học tập, trong khi nhóm trẻ không phải trải qua phẫu thuật, gây mê trước 2 tuổi là 21,2%. Ngoài ra, gây mê còn có mối liên quan với trẻ tăng động và ảnh hưởng đến phát triển trí não, trí nhớ ở trẻ.
Còn theo bác sỹ Bùi Quốc Công, Phó trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện E, những tai biến có thể xảy ra với trẻ khi gây mê có thể rơi vào hai trường hợp. Thứ nhất, trẻ bị trào ngược khi gây mê. Bình thường, các bác sĩ thường nghiêm cấm việc ăn uống trong 6 tiếng trước khi gây mê. Nhưng trẻ thường không chịu được đói, nhiều bà mẹ thương con, lại không lường hết được ảnh hưởng nghiêm trọng của việc cho con ăn trước gây mê nên vẫn mang thức ăn cho trẻ. Ở trẻ em, thực quản chưa phát triển hoàn thiện, khi gây mê trẻ được nằm ngửa, van thực quản hở rất dễ khiến thức ăn bị trào ngược. Khi đó, trẻ hít phải thức ăn, không thở được và có thể tử vong.
Trường hợp thứ hai là trẻ bị suy hô hấp trong quá trình gây mê. Khi gây mê nội khí quản, nếu đặt ống nội khí quản không vào đường thở mà đặt nhầm vào đường thực quản, hoặc ống bị tuột... có thể khiến trẻ nhanh chóng bị suy hô hấp, dẫn đến mất não và tử vong. Đây là tai biến rất nguy hiểm, thường phải được phát hiện nhanh và xử trí đúng trong vòng dưới 5 phút mới hy vọng giúp bệnh nhân vượt qua nguy hiểm.
Hơn nữa, đối với trẻ can thiệp chữa sứt môi hở hàm ếch là một phẫu thuật lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứ không phải tiểu phẫu như nhiều người nghĩ. Trẻ bị dị tật này thường có cơ địa yếu và có thể mắc thêm nhiều bệnh khác nên không phải nơi nào cũng phẫu thuật cho các cháu được. Nếu không đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, tay nghề bác sĩ... thì khi xảy ra tai biến như co thắt, suy tim, suy hô hấp, sốc phản vệ... sẽ khó xử lý và khắc phục kịp thời.
Chính vì vậy, trong những trường hợp cần thiết phải làm phẫu thuật cho trẻ, phụ nên đưa trẻ đến các trung tâm ngoại khoa lớn để các bác sỹ chuyên khoa xem xét tình trạng của con và đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả nhất. Đồng thời, các chuyên gia về gây mê hồi sức có thể khám và cho lời khuyên về các nguy cơ về gây mê cho từng trẻ.
Vừa qua, có 3 em bé ở Khánh Hòa tử vong trong quá trình phẫu thuật hở hàm ếch từ thiện do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ cười (OSCA, Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện Quân y 87 tổ chức. Nguyên nhân ban đầu được chẩn đoán là do các cháu sốc phản vệ khi gây mê, với biểu hiện rối loạn hô hấp, nhịp tim. |
Bình luận của bạn