Gia tăng bệnh nhân đái tháo đường nhập viện vì biến chứng bàn chân

Nhiều trường hợp hoại tử bàn chân do biến chứng đái tháo đường (Ảnh: BV Nội tiết Trung ương)

Mắc đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cần chú ý những gì?

6 dấu hiệu tố cáo đường huyết của bạn đang quá cao

Uống cà phê đen có giúp làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường?

Đái tháo đường có thể gây vô sinh ở cả nam và nữ!

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu do các biến chứng đái tháo đường. Chỉ trong tuần đầu làm việc sau Tết, phần lớn giường bệnh tại đây đã kín bệnh nhân, trong khi số bệnh nhân từ các nơi khác vẫn tiếp tục được chuyển về. Phần lớn đều là những ca rất nặng với các biến chứng nghiêm trọng như các biến chứng về gan thận, nhiễm trùng, đặc biệt các biến chứng hoại tử chi, có khả năng phải cắt bỏ.

Khi được hỏi, nhiều bệnh nhân cho rằng, do tâm lý kiêng khám bệnh trong Tết nên cố gắng giữ ở nhà. Hơn nữa, Tết là dịp sum họp nên đôi khi việc ăn uống, thói quen uống – tiêm thuốc bị đảo lộn, thời gian nghỉ kéo dài, không kịp thời đến viện để điều trị, thêm vào đó các va chạm giao thông cũng xảy ra thường xuyên dễ ảnh hưởng xấu đến các bệnh nhân vốn đang có những biến chứng của đái tháo đường.

Bệnh nhân N.V.T (47 tuổi – Thái Bình) đã phát hiện đái tháo đường 5 năm. Dịp Tết vừa qua, bệnh nhân có xảy ra va chạm xe máy gây ra vết thương ở bàn chân. Sau đó bệnh nhân tự điều trị bằng kháng sinh tại nhà nhưng không đỡ và phải nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, bàn cẳng chân trái hoại tử, chảy dịch hôi, sưng nề. Hiện bệnh nhân đã phải cắt cụt cẳng chân.

Nhiều trường hợp biến chứng bàn chân do người bệnh tự ý chữa đái tháo đường tại nhà (Ảnh: BV Nội tiết Trung ương)

Bệnh nhân N.M.H (65 tuổi – Sơn La) mắc đái tháo đường type 2. Sau khi điều trị tại Bệnh viện Phú Yên, tình trạng bệnh ổn định, bệnh nhân về nhà ăn Tết. Tại nhà, được người thân mách bảo, để chữa chứng tê bì chân tay, ông đã ngâm chân bằng nước lá trầu không. Sau khi ngâm, chân ông xuất hiện tình trạng sưng tấy, loét bàn chân phải, chảy mủ kèm sốt cao 41 độ. Khi vết loét lan rộng, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu.

Bệnh nhân N.X.T (82 tuổi – Hà Nam) mắc đái đường 27 năm. Người nhà đã mua cho ông bộ đá chườm nóng với mong muốn ông có thể chữa được chứng tắc nghẽn động mạch. Tuy nhiên, việc mất kiểm soát nhiệt độ do biến chứng của đái tháo đường đã khiến ông bị bỏng nặng. Hiện ông đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Từ các trường hợp nêu trên, các bác sỹ cảnh báo người bệnh đái tháo đường không được sử dụng các bài thuốc gia truyền, truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng... Lưu ý, việc chườm nóng, dùng nhiệt điều trị chứng tê bì cần hết sức thận trọng, tránh các tổn thương không đáng có.

Trần Lưu H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin