GS Trần Văn Khê - Ảnh tư liệu
GS. Trần Văn Khê lập di nguyện xây dựng quỹ giải thưởng trên giường bệnh
Giáo sư Trần Văn Khê nhập viện, sức khoẻ diễn tiến xấu
Bác sỹ Hồ Văn Hân – Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, Giáo sư Khê đã nhập viện điều trị tại đây từ ngày 27/5. Ông mang nhiều chứng bệnh như bệnh tim, phổi, thận trong đó nặng nhất là viêm phổi. Giáo sư nằm tại khoa Hồi sức đặc biệt, được điều trị cách ly. Dù các bác sỹ đã tận tình cứu chữa nhưng vì tuổi cao sức yếu, bệnh tình trở nặng, nên rạng sáng nay, Giáo sư Khê đã qua đời.
Theo đúng ý nguyện của Giáo sư Trần Văn Khê, thi hài của ông được quản tại nhà riêng (số 32 đường Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM) trong khoảng 7 – 10 ngày để con cháu, bạn bè gần xa có thời gian về dự tang lễ.
Nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê (Ảnh tư liệu)
Theo di nguyện để lại trước khi mất, Giáo sư Trần Văn Khê mong muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Lễ an táng sẽ có ban nhạc lễ do nhạc sỹ Nhất Dũng phụ trách, dàn nhạc đờn ca tài tử là những bạn thân và môn sinh của cố giáo sư hòa tấu.
Cố giáo sư cũng mong muốn tiền phúng điếu được dùng để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Ngôi nhà ông đã ở khi còn sống sẽ được dùng làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Tủ sách, tư liệu mở cửa cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu. Người giúp việc 10 năm của ông – bà Nguyễn Thị Na sẽ ở lại giúp cho người quản lý Nhà lưu niệm Trần Văn Khê sau này.
Những di nguyện đầy tính nhân văn với những người xung quanh và hậu thế của cố Giáo sư Trần Văn Khê khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Ông là người đầu tiên đậu tiến sỹ Âm nhạc vào năm 1958 tại Pháp, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Khi còn ở Pháp, ông là giáo sư trường Đại học Sorbonne, thành viên danh dự Hồi đồng quốc tế âm nhạc – UNESCO.
Khi về nước, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu âm nhạc, tổ chức các buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc. Ông đã tặng cho TP.HCM 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc. Ở tuổi 94, dù mắt kém, nhưng cố Giáo sư vẫn không ngừng làm việc với tâm niệm hệ thống hóa lại kho tư liệu về âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau.
Bình luận của bạn