Hàng loạt các quốc gia Châu Á chìm trong "cơn ác mộng" COVID-19

"Cơn ác mộng" COVID-19 đang lan dần sang hầu hết các quốc gia Châu Á.

Sau Ấn Độ, làn sóng COVID-19 tiếp tục "càn quét" các quốc gia Châu Á

Làn sóng COVID-19 thứ 3 phủ bóng đen lên châu Á

Châu Âu kết luận vaccine AstraZeneca an toàn, nối lại tiêm chủng

Ấn Độ chìm sâu trong "cơn ác mộng" COVID-19

Ấn Độ và lời cảnh tỉnh đối với thế giới

Những khung cảnh tang thương ở Ấn Độ là lời cảnh tỉnh đối với thế giới về đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Trong tuần qua, Ấn Độ lại xác lập kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong. Ngày 7/5, quốc gia Nam Á này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay là 414.433 ca. Đây cũng là ngày thứ ba trong một tuần qua nước này ghi nhận số ca mắc theo ngày ở mức hơn 400.000 ca. Không chỉ vậy, ngày 8/5 Ấn Độ ghi nhận thêm 4.187 trường hợp tử vong, đánh dấu mốc nước này lần đầu tiên ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong chỉ trong 1 ngày, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 lên 238.270 ca. Theo thống kê của Worldometer, tính đến 17h ngày 8/5, tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã lên gần 21,9 triệu ca.

Những ca bệnh được ghi nhận cũng tăng vọt tại các nước láng giềng của Ấn Độ, từ Nepal ở phía Bắc cho đến Sri Lanka ở phía Nam. Không dừng lại ở đó, ở xa hơn trong khu vực Đông Nam Á, bệnh nhân mắc COVID-19 cũng gia tăng nhanh chóng tại Thái Lan, Campuchia và Indonesia.

“Khu vực Đông Nam Á báo cáo hơn 2,7 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 và 25.000 người tử vong, tăng lần lượt 19% và 48% so với số liệu từ tuần trước. Ấn Độ chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng này”, WHO cho biết.

Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết trong một tuyên bố: “Chúng ta cần phải hành động lập tức để có hy vọng ngăn chặn thảm họa nhân loại này. Loại virus này không hề phân biệt biên giới các nước và đang hoành hành khắp châu Á”.

Châu Á "nóng" hơn bao giờ hết kể từ đầu dịch

Những nhân viên y tế đang phun khử khuẩn tại một khu dân cư ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: EPA

Tại Sri Lanka, quốc gia này đang trải qua làn sóng COVID-19 mới kể từ giữa tháng 4, với các ca nhiễm nhanh chóng vượt qua đỉnh của đợt dịch trước vào tháng 2. Ngày 7/5, đảo quốc Nam Á này ghi nhận 1.895 ca mắc mới – gấp gần 5 lần so với số ca mắc trong ngày hồi đầu tháng 4, nâng tổng số ca mắc toàn quốc trên 121.000 ca.

Theo TS Chandima Jeewandara -  Trưởng nhóm nghiên cứu Giải trình tự gene COVID-19 thuộc Đại học Sri Jayewardenepura (Sri Lanka) cho biết, mặc dù gần Ấn Độ nhưng biến thể virus ở Ấn Độ lại chưa được phát hiện ở Sri Lanka. Thay vào đó, sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc ở quốc đảo này là do sự lây lan của biến thể B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh. Ngày 6/5, Sri Lanka trở thành quốc gia láng giềng thứ ba đóng cửa biên giới với Ấn Độ, sau Bangladesh và Nepal.

Trong khi đó, Nepal được dự báo có nguy cơ trở thành "Ấn Độ thứ hai". Nepal đang có tỷ lệ lây nhiễm mỗi ngày là 20 ca/100.000 dân mỗi ngày - tỷ lệ tương đương Ấn Độ vào hai tuần trước. Theo số liệu của chính phủ do IFRC công bố, cuối tuần trước, 44% các xét nghiệm COVID-19 của Nepal cho kết quả dương tính. SARS-COV-2 lây lan nhanh chóng làm dấy lên lo ngại rằng Nepal đang đối diện một cuộc khủng hoảng tàn khốc không kém gì Ấn Độ, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn. Nepal có tỷ lệ bác sĩ trên đầu người và tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với Ấn Độ.

Nepal đang đứng trước nguy cơ trở thành "Ấn Độ thứ hai" vì COVID-19 - Ảnh: AFP

Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Campuchia trở thành những "tâm dịch" COVID-19 trong một vài tuần trở lại đây với hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày.

Chỉ trong vòng 5 tuần tính từ ngày 31/3, số bệnh nhân COVID-19 ở Thái Lan đã tăng vọt lên gấp 5 lần, đạt tới con số 76.000. Chỉ riêng ngày 9/5, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 2.101 ca mắc mới.  Nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh chóng tại “xứ sở Chùa vàng” này được cho là xuất phát từ dịch vụ giải trí đêm và lễ hội mừng Tết cổ truyền Songkran của người Thái vào giữa tháng 4. 

Campuchia đang phải hứng chịu thời kỳ đen tối nhất trước làn sóng dịch thứ hai. Vào ngày 11/4, WHO cảnh báo Campuchia đang “bên bờ vực của một thảm kịch quốc gia”. Với số ca mỗi ngày bất ngờ tăng vọt 3 con số, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này chỉ từ 500 vào cuối tháng 2 đã lên tới trên 18.000 ca hiện nay, trong đó có 114 trường hợp tử vong.

Số ca mắc mới COVID-19 mới ở Malaysia đang tăng mạnh. Hai ngày qua liên tục ở mức trên 4.000 ca và ở mức cao nhất trong 3 tháng vào hôm 8/5 với 4.519 ca. Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, Chính phủ Malaysia đã tái áp dụng Lệnh kiểm soát đi lại tại nhiều khu vực từ ngày 6/5, cấm đi lại xuyên quận trên phạm vi toàn quốc từ ngày 10/5-6/6, cấm tổ chức các sự kiện, hoạt động xã hội, giáo dục, kinh tế có thể dẫn tới tụ tập đông người và các hoạt động chính thức và xã giao trực tiếp của chính quyền cũng như khối tư nhân.

Ngày 9/5, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có 7.174 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên tới hơn 1,1 triệu ca. Trong 24 giờ trước đó, Philippines có thêm 204 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi, theo đó tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 18.472 ca. Giới chuyên gia cảnh báo Philippines có thể đối mặt làn sóng COVID-19 tương tự Ấn Độ, khi bệnh nhân bắt đầu tràn ngập hành lang bệnh viện ở Manila.

Tuần qua, Bộ Y tế Indonesia xác nhận nước này có trung bình khoảng 5.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày. Trong đó phát hiện 2 bệnh nhân nhiễm biến thể virus từ Ấn Độ - B.1.617 từ đầu tuần trước. Trước tình hình này, Chính phủ Indonesia đã cấm mọi việc đi lại trong nước từ 6/5 đến 17/5, bao gồm đi lại bằng ô tô, xe máy, xe buýt, tàu, phà, máy bay…

Nguyên Hương H+ (Theo CNN/BBC)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn