Dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia tìm cách ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh bằng cách hạn chế di chuyển, đình chỉ nhiều hoạt động không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội. Mặc dù các biện pháp này đã cứu sống nhiều người, nhưng nó cũng gây ra tác động tiêu cực đến mực độ hoạt động thể chất của con người.
Trong cuộc khảo sát Eurobarometer - thước đo toàn diện nhất đối với dư luận của công chúng trong Liên minh châu Âu (EU), hơn 1 nửa người tham gia cho rằng họ đã giảm mức độ hoạt động thể chất - với 34% hoạt động ít thường xuyên và 18% dừng hoạt động hoàn toàn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thói quen lười vận động thể chất đang trở thành một “đại dịch” nguy hiểm và là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong trên toàn cầu. Mỗi năm thế giới có khoảng 3,2 triệu ca tử vong do không hoạt động thể chất. Các ước tính toàn cầu hiện nay cho thấy, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người không đáp ứng đủ mức độ vận động khuyến nghị.
Một số nghiên cứu của WHO chỉ ra mức độ lười vận động ở các nước giàu cao hơn các nước nghèo. Nguyên nhân có thể các nước giàu đã chuyển đổi sang những công việc cũng như hình thức giải trí ít đòi hỏi đi lại, vận động. Trong khi đó, ở các nước nghèo, nhân viên có xu hướng di chuyển nhiều hơn.
Theo Vnexpress.net, nghiên cứu năm 2019 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ ra, trung bình một người Việt đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, nhưng dân văn phòng chỉ là 600 bước, trong khi khuyến nghị của WHO là 10.000 bước.
Tính đến hết năm 2021, số liệu của Tổng cục Thể dục thể thao cho thấy tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia thể dục, thể thao vẫn ở mức thấp. Số người tập luyện thường xuyên đạt hơn 35%, số hộ gia đình có thể thao chiếm 26%.
Lười vận động thể chất là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm (NCD) và tử vong trên toàn thế giới. Nó làm tăng nguy cơ bị ung thư, bệnh tim, đột quỵ và đái tháo đường lên 20-30%. Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 4-5 triệu ca tử vong mỗi năm có thể được ngăn chặn nếu dân số toàn cầu tích cực vận động hơn.
Bên cạnh đó, thói quen lười vận động còn gây ra các vấn đề sức khỏe khác như: Cơ yếu, ngủ không ngon giấc, thiếu sức bền, tăng cân, thường xuyên căng thẳng, chán nản…
Theo WHO, phụ nữ và trẻ em gái thường ít hoạt động thể chất hơn nam giới và trẻ em trai, từ đó làm gia tăng bất bình đẳng về sức khỏe. Người lớn tuổi và người khuyết tật cũng ít hoạt động hơn và bỏ lỡ các lợi ích về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội.
Không vận động thể chất cũng gây ra gánh nặng cho xã hội thông qua chi phí chăm sóc y tế hàng năm. Các ước tính từ năm 2016 cho thấy, việc không hoạt động thể chất đã tiêu tốn của hệ thống y tế 54 tỷ USD và gây thiệt hại kinh tế 14 tỷ USD. Ước tính từ các quốc gia có thu nhập cao, cũng như thu nhập thấp và trung bình chỉ ra rằng khoảng 1- 3% chi phí chăm sóc sức khỏe quốc gia là do lười vận động thể chất.
Có rất nhiều hệ lụy từ thói quen lười vận động đã được chứng minh, tuy nhiên không ít người vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tăng cường vận động với sức khỏe, chưa xây dựng một chế độ tập luyện phù hợp cho mình hoặc vẫn lơ là việc vận động vì chưa tìm được các bài tập thể dục phù hợp.
Thực trạng lười vận động thể chất đang phổ biến ở nhiều quốc gia. Trước thực trạng đó, WHO đã đưa ra Kế hoạch Hành động Toàn cầu về Hoạt động Thể chất (GAPPA) năm 2018 - 2030 để đối phó với “đại dịch” này, giúp các quốc gia ưu tiên việc khuyến khích người dân tăng cường hoạt động thể chất. Mục tiêu của WHO là giảm 15% tỷ lệ không hoạt động thể chất ở người lớn và thanh thiếu niên trên toàn cầu vào năm 2030.
Trong đó, WHO đưa ra 20 khuyến nghị chính sách để tăng cường hoạt động thể chất ở các quốc gia, điển hình như: Xây dựng các chính sách tạo ra những tuyến đường an toàn để khuyến khích người dân tăng cường đi bộ, đạp xe; Cung cấp nhiều chương trình và cơ hội hơn cho hoạt động thể chất ở những nơi quan trọng, chẳng hạn như nhà trẻ, trường học, nơi làm việc….
Việc các quốc gia ưu tiên hoạt động thể chất như “chìa khóa” để cải thiện sức khỏe và giải quyết các bệnh không lây nhiễm, lồng ghép hoạt động thể chất vào tất cả các chính sách liên quan và phát triển các công cụ, hướng dẫn và đào tạo để cải thiện việc thực hiện.
Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc phụ trách nâng cao sức khỏe của WHO, cho biết: “Việc thúc đẩy hoạt động thể chất nhiều hơn tốt cho sức khỏe cộng đồng và có ý nghĩa với kinh tế. Chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình hoạt động thể chất toàn diện cho người dân và đảm bảo họ được tiếp cận chúng dễ dàng".
Trong thời gian chờ đợi những chính sách cụ thể về việc tăng cường hoạt động thể chất của Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung, mỗi người dân cần nhận thức được lợi ích của vận động, từ đó thường xuyên thực hiện các bài tập phù hợp với bản thân.
Một số gợi ý giúp bạn cải thiện thói quen lười vận động như: Chọn môn thể thao mình yêu thích sẽ giúp bạn thích thú hơn cho những buổi tập. Có thể kết hợp nhiều môn để tăng cảm giác mới lạ và phấn khởi hơn; Không nhất thiết phải đến phòng tập, đi ra đường mới tập được mà nếu muốn bạn vẫn có thể vận động ngay tại nhà bằng những bài tập như yoga, nhảy dây, squat, plank…; Tìm bạn cùng tập, vào hội nhóm thể dục như cầu lông, bơi lội, yoga, gym...sẽ tạo thêm động lực lôi kéo bạn đi tập thể dục đều hơn; Tạo mọi điều kiện để cơ thể có cơ hội vận động mỗi ngày. Hãy đi thang bộ thay vì thang máy, đi bộ đến những điểm gần thay vì đi xe, sau khi ăn thì nên đi dạo một vòng, mỗi khi ngồi lâu nên đứng dậy vươn vai và làm vài động tác căng cơ... Đặc biệt, lau dọn nhà cửa cũng là cách vận động lợi cả đôi đường cho bạn.
Bình luận của bạn