Hiệp định TPP vận hội và thách thức của ngành TPCN

Những cơ hội và thách thức của ngành TPCN Việt Nam khi hội nhập TPP

7 kiến thức cơ bản về Hiệp định TPP doanh nghiệp cần biết

Hiệp định TPP: “Dao 2 lưỡi” với doanh nghiệp TPCN Việt Nam

Nuôi bò sữa 10 năm, lời cả chục nghìn tỷ đồng

Ra mắt TTPP Vina-link Hưng Yên

Cơ hội và thách thức lớn

Đàm phán Hiệp định TPP giữa 12 nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, là một trong những đàm phán thương mại tự do quan trọng nhất của Việt Nam trong những năm tiếp theo. TPP sẽ mở ra một thị trường thương mại chung rộng lớn với gần 800 triệu người tiêu dùng và 40% GDP toàn cầu. Cùng với đó, các thành viên tham gia đàm phán TPP đều nhất trí xây dựng một Hiệp định TPP tiêu chuẩn cao, thế hệ mới với mức độ tự do hóa sâu, ở phạm vi rộng, bao gồm cả những vấn đề truyền thống và vấn đề mới, cả các nội dung thương mại và phi thương mại. Vì vậy, dự kiến TPP sau khi được ký kết sẽ có tác động mạnh mẽ tới tương lai của nền kinh tế cũng như của mỗi ngành kinh tế Việt Nam.

Sự tham gia của Hoa Kỳ đem lại diện mạo mới cho Hiệp định TPP

Sự tham gia của Hoa Kỳ vào Hiệp định TPP mùa thu năm 2008 đã đem lại “diện mạo mới” cho Hiệp định này. Các chủ đề về thương mại quốc tế TPP đã được thảo luận ở nhiều nơi với nhiều cấp độ. Tính tới thời điểm tháng 5/2015, trong số 30 chương đàm phán của TPP đã có những chương hoàn tất việc đàm phán và số các chương còn tranh cãi đã được thu hẹp. Cụ thể, 9/30 chương trong TPP được cho là đã kết thúc đàm phán bao gồm: Cạnh tranh và tạo thuận lợi kinh doanh; Hợp tác và xây dựng năng lực; Thương mại dịch vụ qua biên giới; Hải quan; Phát triển; Hài hòa pháp lý; Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Viễn thông; Tạm nhập.

Trên thực tế, đây là các chương được cho là ít gây tranh cãi, liên quan tới việc tạo thuận lợi thương mại là chủ yếu, ít gắn với các cam kết mở cửa ngành cụ thể (ngoại trừ chương về Thương mại dịch vụ qua biên giới và viễn thông). Do đó, các chương này được cho là dễ đạt được thống nhất hơn. Như vậy, còn lại 21 chương là chưa đạt được thống nhất cuối cùng. Mặc dù vậy, không phải tất cả các nội dung này đều có tranh cãi lớn. Trên thực tế, thông tin từ các nguồn khác nhau đều cho thấy rằng, có 4/21 chương đang nằm trong diện tranh cãi lớn cho đến thời điểm này (bao gồm: Đầu tư, Doanh nghiệp Nhà nước, Mua sắm Chính phủ, Sở hữu trí tuệ). Còn với Việt Nam, một số vấn đề được cho là còn vướng mắc, chưa hẳn đã đạt được thỏa thuận thống nhất TPP bao gồm: Lao động; Mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực cụ thể (phân phối, viễn thông…). Theo nhận định của các chuyên gia, Hiệp định TPP cũng đòi hỏi mức độ cam kết mở cửa sâu rộng về thương mại, đầu tư, dịch vụ… không kém cạnh so với Hiệp định thương mại tự do FTA (Free Trade Agreements). Cụ thể TPP sẽ yêu cầu hàng loạt các biện pháp thúc đẩy tự do thương mại như:

- Thuế quan: Cắt giảm hầu hết các dòng thuế, thực hiện luôn hoặc lộ trình rất ngắn (ít nhất cắt giảm 90% thuế).

- Dịch vụ: Mở cửa đối với hầu hết các loại dịch vụ, nhất là các loại dịch vụ y tế, tài chính, giáo dục…

- Đầu tư: Tăng cường chính sách bảo hộ các nhà đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, tiện lợi.

- Quyền sở hữu trí tuệ: Tăng hơn so với WTO.

- Các biện pháp siết chặt trong rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ.

- Cạnh tranh và mua sắm công: Tăng cạnh tranh, nhất là mua sắm công (đấu thầu rộng rãi).

- Các vấn đề lao động: Công đoàn, lương tối thiểu, điều kiện vệ sinh an toàn lao động, cấm cưỡng bức lao động, lao động vị thành niên…

- Thương mại điện tử, viễn thông, bán hàng trực tiếp (Direct sale), bán hàng đa cấp (Multy Level Marketing)

- Các vấn đề về môi trường…

Thuận lợi và thách thức của ngành TPCN

Hiệp định TPP ngành thực phẩm chức năng Việt Nam có nhiều cơ hội và thách thức

Không nằm ngoài vòng xoáy, ngành TPCN Việt Nam sẽ có được nhiều thuận lợi và phải đối mặt với không ít khó khăn khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định TPP. Theo đó, thuận lợi của ngành TPCN (nằm trong chính sách chung là hàng thực phẩm). Cơ hội khi là thành viên trong TPP là hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, chúng ta có thể tăng cường xuất khẩu vào các thị trường đối tác trong TPP. Đồng thời Việt Nam cũng phải xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế gần như về 0% đối với TPCN nhập khẩu, tạo điều kiện cho ngành này thêm sôi động. Tốc độ tăng trưởng của ngành TPCN hiện đang ở mức tương đối cao. Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), tỷ lệ này hiện đạt xấp xỉ 20% mỗi năm và ước tính tổng doanh thu của ngành năm 2014 đạt trên 3 tỷ USD.

Thế nhưng, theo các chuyên gia của VAFF, thuận lợi quan trọng nhất đối với ngành TPCN là sẽ thống nhất Quản lý TPCN trong khối TPP, tạo điều kiện thuận lợi cho

các nhà đầu tư, kinh doanh, sản xuất. Trong đó, chắc chắn sẽ áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật như Nguyên tắc GMP (trong sản xuất), GACP (trong nông nghiệp dược liệu)…; Các tiêu chuẩn về sản phẩm (như kiểu Dược điển Mỹ, TCVN của Việt Nam); Tốc độ hài hòa tiêu chuẩn (như của ASEAN) sẽ diễn ra rất nhanh; Cam kết cải cách hành chính trong các cơ quan quản lý cũng được thực hiện tốt (như kiểu Chính phủ điện tử)…

Một cơ hội cũng được đánh giá là “ngàn năm một thủa” nữa là ngành TPCN Việt Nam nhân cơ hội không có sự góp mặt của Trung Quốc trong TPP để giảm tối đa sự lệ thuộc vào Trung Quốc như: Dược liệu, bao bì, thậm chí máy móc, công nghệ, tài chính… Hiện nay, các công ty sản xuất TPCN của Việt Nam đang nhập khẩu phần lớn nguyên liệu thảo dược, vitamin, muối khoáng, bao bì (nhất là bao bì nhựa, thiếc, nhôm) từ Trung Quốc.

Thoát ly được các nguyên liệu thảo dược sẽ đẩy mạnh việc nuôi trồng thảo dược trong nước, tăng cường được kinh tế xã hội cho vùng nông thôn, miền núi. Nền công nghiệp dược, chiết xuất, bán tổng hợp các hoạt chất thiên nhiên sẽ có “đất” dụng võ, không chỉ cung cấp nguyên liệu cho ngành TPCN Việt Nam mà cho cả khối TPP, đặc biệt là thị trường Mỹ. Hiện nay, thị trường thảo dược của Mỹ cũng phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, nên Mỹ cũng phải tăng cường sử dụng các sản phẩm do khối TPP sản xuất.

Bên cạnh những vận hội, những thuận lợi mà TPP đem lại thì cũng có những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nước nhà. Theo VAFF, cả nướchiện nay có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất TPCN (có hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này) thế nhưng doanh nghiệp áp dụng Nguyên tắc GMP-HS (Thực hành tốt sản xuất TPCN theo hướng dẫn ASEAN) chỉ có vỏn vẹn 4 doanh nghiệp (tính tới tháng 8/2015).

Với lý do cơ quan quản lý chưa yêu cầu bắt buộc nên các doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa áp dụng tiêu chuẩn này mặc dù ASEAN đã có hướng dẫn (guidline GMP-HS). Theo lộ trình hòa hợp tiêu chuẩn ASEAN tới năm 2020 các doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng GMP trong sản xuất TPCN. Còn theo Bộ Y tế Việt Nam, lộ trình có thể là 2018. Các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư bài bản để có được chứng chỉ GMP, bao gồm: Nhà xưởng, máy móc, công nghệ, nhân sự… để có thể tham gia cuộc chơi toàn cầu này.

Một thách thức nữa là chúng ta chưa có tiêu chuẩn chất lượng cho các dạng bào chế TPCN (Bộ Y tế mới chỉ quản lý chặt về các chỉ tiêu an toàn: Vi sinh, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hormone tăng trưởng…) trong khi đó Dược điển Mỹ quy định nhiều cho các hoạt chất sử dụng cho TPCN. Tới đây, Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ và một số tổ chức khoa học (Viện TPCN, Viện kiểm nghiệm Vệ

sinh an toàn thực phẩm Quốc gia…) sẽ phối hợp để biên soạn các TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) và QCKT (quy chuẩn kỹ thuật) nhằm phục vụ ngành. Chúng ta cũng phải xây dựng các trung tâm kiểm định độc lập (của khu vực phi nhà nước) để kiểm nghiệm, kiểm định các sản phẩm, nguyên liệu TPCN, phải thúc đẩy thành lập các công ty hoạt động chứng nhận (như Công ty TNHH MTV Chứng nhận chất lượng Asiacert) để chứng nhận GMP, GAP, GLP, chứng nhận thử hiệu quả sản phẩm, tương đương sinh học.

Nên nhớ rằng cơ hội TPP là cực kỳ to lớn, các quốc gia thành viên TPP hiện nay chiếm tới hơn 40% GDP thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. Tận dụng được cơ hội này các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp TPCN nói riêng sẽ trở nên lớn mạnh, có thể có các công ty xuyên quốc gia.

Hội thảo: "Doanh nghiệp Thực phẩm chức năng với hội nhập TPP: Những điều cần lưu ý".
Địa điểm: Hội trường tầng 1, Cung Trí thức thành phố
(Địa chỉ: 80 Trần Thái Tông, P. Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội).
Thời gian: 8h30 - 12h, ngày 24/11/2015
Xác nhận tham dự: Điện thoại: 0904 401 102;
Email: [email protected]
Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng (VIDS)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng