Vụ cá chết hàng loạt: "Hóa chất Formosa nhập có thể gây chết người"

PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Ảnh: Vnu.edu.vn

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra tin ống xả thải biển Vũng Áng

Ăn cá chết vì nhiễm độc dễ tử vong trong 2 giờ!

Những vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam gây chấn động dư luận!

Vụ cá chết hàng loạt: Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng

Nhiều chất độc, cực độc

Liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở một số địa phương miền Trung, dư luận đặt ra nhiều hoài nghi vào hệ thống xả thải ở tầng nước sâu ra biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt Formosa).

Qua tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, Formosa đã nhập 297 tấn hóa chất vào Việt Nam phục vụ quá trình thi công và chuẩn bị vận hành nhà máy.

Báo chí cũng đã có được danh sách 45 loại hóa chất mà Formosa nhập về để xử lý chất thải, súc rửa đường ống xả thải.

Trao đổi với PV sau khi theo dõi bảng danh sách này, PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho hay: "Hầu hết các chất hóa học hay hỗn hợp các hợp chất hóa học theo danh mục từ Formosa đều là các chất hay hỗn hợp các chất hóa học chống gỉ, chống ăn mòn, diệt sinh vật và tách xỉ". 

Tất cả các hóa chất này đều mang tên thương mại nhưng cũng rất dễ dàng tra cứu được trên internet. PGS.TS Côn khẳng định, hầu hết các chất này đều là các chất độc, thậm chí là rất độc, có tính ăn mòn, gây bỏng da, mắt.

Danh sách 45 loại hóa chất Formosa nhập về để xử lý chất thải, súc rửa đường ống - Ảnh: chụp tài liệu/Tuổi trẻ.

"Các chất như NALCO 8228 có chứa đến 30% là natri nitrit - một hóa chất rất độc đối với người và động vật, có thể gây chết, gây ngạt (do máu không mang được oxy cho cơ thể), NaOH - một chất kiềm mạnh và các triazol gây kích ứng mạnh.

Các NALCO khác cũng có các thành phần như thế và có thêm các chất hữu cơ khác và/hoặc muối vô cơ như Mg nitrat.

Đặc biệt SPECTRRUS NX 1106 có chứa tối đa đến 60% natri nitrit - vừa là chất gây kích ứng mạnh, vừa là chất oxy hóa và là chất độc. Chất này gây ảnh hưởng nặng nề đến máu được khuyến cáo "cấm tuyệt đối không được đưa vào hệ tiêu hóa", "chỉ sử dụng trong các hệ thống kín" và "không tái sử dụng". Hầu hết các chất này đều là các BIOCIDE - chất diệt sinh vật.

Vì thế nếu các hỗn hợp hóa chất này không được lưu giữ đúng quy cách sau khi đã sử dụng mà thải ra môi trường thì vô cùng nguy hiểm", PGS.TS Côn nhấn mạnh.

Còn GS.TS Lê Huy Bá - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và  Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) cũng nêu rõ, tất cả 45 chất đó, trừ một số chế phẩm vi sinh cần xem lại thì hầu hết là chất độc và cực độc.

"Những chất tẩy rửa, chống gỉ, chống ăn mòn thì hầu hết là chất độc, cực độc. Những chất này nếu tính độc trực tiếp thì khác còn tính độc sau khi đưa vào dây chuyền công nghệ xử lý thì ra nước thải lại là chuyện khác nữa. Nói cách khác, độc ở đây không phải là độc đơn tính mà là độc tổng hợp hay tích hợp của các chất đơn tính lại với nhau tạo nên độc lực hết sức lớn", GS. Bá cho hay.

GS.TSKH. Lê Huy Bá. Ảnh: Lao động

GS. Bá giải thích thêm, trong quá trình sản xuất của nhà máy có thể tạo ra những chất độc không theo ý muốn, ngoài dự trù, nên ở đây, khi đưa các chất độc này vào súc xả thì sẽ tạo thành "độc cộng thêm độc".

"Ở đây, điều quan trọng nhất lúc này theo tôi là các cơ quan chức năng cần phải lấy được nước thải đích thực của nhà máy để kiểm tra, xác định, làm rõ xem đây có phải là nguyên nhân không. Khi có được kết luận cụ thể này thì từ đó mới giúp giải tỏa các nghi ngờ của dư luận", GS. Bá nhận định.

Nhiều bài học nhãn tiền

GS. Lê Huy Bá cũng cho biết thêm, với khối lượng thải 12.000 m3 nước thải của Formosa thông tin thì hệ thống xử lý phải có quy mô rất lớn và chi phí cũng vô cùng nhiều.

"Xét về mặt xử lý nước thải công nghiệp đối với môi trường thì quy mô hệ thống xử lý phải rất lớn còn anh nhập một số chế phẩm vi sinh thì không ăn thua gì. Ở đây, chế phẩm vi sinh chỉ có tác động làm giảm chất thải mang tính hữu cơ còn chất thải độc hại, kim loại nặng thì khó", ông nói.

Vị chuyên gia độc học môi trường cũng lấy lại ví dụ về vụ việc từng xảy ra ở Nhật Bản đã gây ra một căn bệnh khủng khiếp cho người dân nơi này. Đó là, công ty hóa chất đã đổ chất thải nhà máy chưa được xử lý vào biển Shiranui ở vịnh Minamata, gây ngộ độc thủy ngân cho các cư dân địa phương và gây ra căn bệnh được gọi là bệnh Minamata sau khi ăn một lượng lớn cá và sò trong vùng biển bị ô nhiễm nặng.

"Theo tôi, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm tra, xác định, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm", GS. Bá đề nghị.

Trước đó, liên quan đến nghi vấn chất độc hại có được Formosa dùng để súc xả đường ống hay không, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN-MT) cũng cho hay, hiện nay còn phải chờ kết quả kiểm tra mới có thể kết luận được.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cũng lưu ý thông tin cần phải được kiểm chứng, không được đồn đoán dễ hiểu nhầm, gây hoang mang dư luận.

Hơn nữa, việc được phép xả thải, được phép chạy đường ống ngầm với việc xả nước thải có chứa chất gây độc hại môi trường hay không là hai chuyện khác nhau. Hiện Bộ TN-MT đang gấp rút kiểm tra việc này.

Sau khi đi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về tình trạng cá chết hàng loạt tại đây vào ngày 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu kiểm tra làm rõ nguyên nhân trên cơ sở khoa học, thận trọng nhưng phải nhanh nhất, sớm nhất.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn