Hoạt động SX và KD TPCN: Vai trò “bà đỡ” của các cơ quan quản lý

Cần có “bà đỡ mát tay” cho ngành

Đây là quan điểm được PGS. TS. Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp dược học, Phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) – đưa ra tại Hội thảo “Chiến lược phát triển ngành Thực phẩm chức năng Việt Nam từ 2013–2020 và tầm nhìn 2030”. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội Thực phẩm chức năng Quốc tế Việt Nam – I3F Vietnam 2013”.


PGS. TS. Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp dược học, Phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF)

Theo PGS. TS. Lê Văn Truyền, đối với các ngành sản xuất kinh doanh nói chung và ngành TPCN nói riêng, vai trò quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là việc bảo hộ 1 ngành kinh tế phát triển, giúp nó đi đúng hướng mà còn thể hiện cả vai trò bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc quản lý, giám sát hoạt động sản xuất – kinh doanh TPCN tại Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập, khiến đây trở thành một lĩnh vực “nhạy cảm”, chưa phát huy hết tính tích cực trong việc bảo vệ và tăng cường sức khỏe cộng đồng.

Theo số liệu từ Hiệp hội TPCN Việt Nam (VAFF), trong giai đoạn từ 2000 – 2013, thị trường TPCN Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng - lên đến hơn 100 lần - cả về số doanh nghiệp lẫn danh mục sản phẩm. Thực trạng phát triển “nóng” này cho thấy nhu cầu cấp thiết và khách quan về việc xây dựng một hành lang pháp lý cùng những chế tài hiệu quả, nghiêm minh cho việc quản lý thị trường này. Làm sao để ngành TPCN Việt Nam phát triển đúng hướng, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng.


PSG. TS Trần Đáng nói về tính cấp thiết phải có một chiến lược phát triển dài hơi cho ngành TPCN Việt Nam

Cũng chính vì thế, trong Hội thảo về chiến lược phát triển Ngành TPCN Việt Nam từ 2013- 2020, tầm nhìn 2030, có 3 vấn đề được chú ý nhiều nhất là: Tính cấp thiết của chiến lược, thực tế quản lý TPCN tại Việt Nam và chiến lược cụ thể để phát triển Ngành. Các tham luận cùng những ý kiến đóng góp “nóng” tại Hội thảo của các chuyên gia, nhà quản lý… đều xoay quanh việc cây dựng nền tảng vững chắc cho việc phát triển một chuỗi khép kín từ nguyên liệu – nghiên cứu – sản xuất – kinh doanh các sản phẩm TPCN Việt Nam, kết hợp với kinh doanh, phân phối các sản phẩm nhập khẩu.


Cái “khó” từ góc nhìn quản lý

Theo TS Nguyễn Hùng Long – Phó cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), một trong những vướng mắc lớn trong việc quản lý TPCN hiện nay chính là tình trạng thiếu các luật lệ, qui định, tiêu chuẩn, chế tài phù hợp cho lĩnh vực này. Cần có một hệ thống qui định đối với sản phẩm, phân phối, chứng nhận, và quảng cáo về TPCN; cùng với sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực này.


Hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam hiện chưa đủ năng lực để xét nghiệm các hoạt chất sinh học của sản phẩm TPCN, TS. Nguyễn Hùng Long cho biết

Bên cạnh đó, về mặt công nghệ và chuyên môn, theo TS Nguyễn Hùng Long, hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam hiện chưa đủ năng lực để xét nghiệm các hoạt chất sinh học của sản phẩm TPCN; hệ thống thanh tra chuyên ngành thực phẩm mới thành lập nên chưa đủ khả năng thanh tra sau công bố (hậu kiểm) trong đó có quảng cáo, tuyên truyền và duy trì đảm bảo chất lượng vệ sinh của sản phẩm. Cùng đó là những sự “thiếu và yếu” khác như: hệ thống quản lý công nghệ thông tin và các phần mềm quản lý từ trung ương đến địa phương; cơ sở dữ liệu về số liệu thống kê, các số liệu cập nhật tình hình chi tiết và cụ thể đối với các loại TPCN; nhân sự quản lý – thực hiện…

Cùng đó, công tác tuyên truyền giáo dục về TPCN hiện cũng còn bất cập, khiến những người làm công tác quản lý cũng như nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào sản xuất - kinh doanh TPCN và đông đảo người tiêu dùng đều hiểu chưa đầy đủ về lĩnh vực này.


Lô sản phẩm TPCN giả bị Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra và bắt giữ tại quận Đống Đa đầu tháng 8/2013

Từ góc độ này, đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra 9 giải pháp quản lý cụ thể đối với TPCN. Trong đó, đáng chú ý là việc hoàn thiện và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với sản phẩm TPCN; Xây dựng lộ trình bắt buộc tất cả các đơn vị được giao trách nhiệm kiểm tra nhà nước về ATT phải có kế hoạch nâng cấp, áp dụng và chứng nhận ISO 17025 để đảm bảo tính pháp lý và chính xác, công bằng của các kết luận về chất lượng lô hàng đặc biệt là giải quyết các vấn đề khiếu nại của khách hàng; Định kỳ và đột xuất thực hiện công tác thanh, kiểm tra đối với TPCN tại cơ sở và đang lưu thông trên thị trường, kip thời phát hiện sản phẩm lậu, kém chất lượng...

Thực tế khách quan cho thấy, sự phát triển của thị trường TPCN Việt Nam là xu thế tất yếu của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tương lai, nhằm phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây, tăng cường sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Để bắt kịp xu thế đó, thực phẩm chức năng Việt Nam thực sự cấp thiết phải phát triển thành ngành được quản lý và hoạt động hiệu quả trong một tương lai gần.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng