Hội chứng "nghiện" corticoid và những tác hại khôn lường


Nên cẩn trọng khi dùng thuốc có thành phần corticoid cho trẻ (ảnh: internet)

Khi bé bị các bệnh ngoài da như: chàm, viêm kẽ… phụ huynh thường cho con đi khám. Tuy nhiên, cũng có người sau khi thoa thuốc cho con thấy hết bệnh, bèn cất toa thuốc, khi bé bị bệnh giống bệnh cũ, lại lôi toa cũ ra mua dùng. Điều đáng nói là các loại thuốc này rất hiệu nghiệm, bôi vào sẽ hết triệu chứng trong một hai ngày, vì có corticoid. Nhiều phụ huynh cũng thích dùng thuốc chứa corticoid để bôi vết muỗi chích.

Mẹ một bệnh nhi kể: "Bé nhà tôi bị sưng mặt, chảy nước vàng, chưa kịp đưa con đi khám đã có chị "mách" mua một tuýp thuốc về dùng. Tôi cho con dùng buổi tối, đến trưa hôm sau da đã bong. Giá thuốc rẻ, lại nhanh khỏi nên tôi cho bé dùng thường xuyên. Thỉnh thoảng thay đổi thời tiết, bé lại nổi vài cái mụn đỏ đỏ, bôi thuốc vào sẽ hết ngay. Nhưng gần đây thuốc hết linh nghiệm mà còn làm bệnh nặng hơn. Khi đi bác sĩ, tôi mới biết bé bị tác dụng phụ của thuốc".

Corticoid được biết như một chất có tác dụng chống viêm, thúc đẩy sinh sản mới (tân sinh), giải dị ứng. Tuy nhiên, việc lạm dụng corticoid sẽ sinh ra một số tác hại nhất định, cụ thể: teo da, rạn da, xuất huyết dưới da, lâu lành vết thương da, phát ban trứng cá đỏ, làm tăng bệnh nhiễm trùng, nhiễm nấm, ký sinh trùng, nhiễm virus… Ngoài ra, người sử dụng còn có thể bị bệnh tim mạch (tăng huyết áp), hệ nội tiết (ức chế trục dưới đồi tuyến yên - thượng thận, chứng rậm lông, mặt tròn…), hệ tiêu hóa (loét dạ dày, viêm tụy tạng, đái tháo đường...), thị giác (tăng nhãn áp, cườm), thận (ứ dịch và muối, giảm kali máu).

Với trẻ em, nếu lạm dụng corticoid, tác hại sẽ trầm trọng hơn vì làn da của các bé mỏng manh. Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng - BV Da Liễu TP.HCM lưu ý khi dùng thuốc bôi corticoid: "Không nên bôi thuốc trên những tổn thương da đang bị nhiễm trùng, nhiễm nấm, nhiễm virus, giãn mạch, loét da. Không nên bôi thuốc trên diện tích da rộng lớn, nhất là với trẻ em. Hạn chế dùng thuốc cho phụ nữ có thai và trẻ dưới 12 tuổi".

Khi lạm dụng thuốc, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Trước hết phải "cai nghiện" corticoid. BS Võ Thị Bạch Sương - Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: "Để điều trị các trường hợp này, chúng tôi giảm liều từ từ bằng cách cho bôi thưa dần hoặc chọn loại thuốc có hoạt lực thấp hơn, sau đó cho bệnh nhân sử dụng quen dần với sản phẩm an toàn".

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin