Khi báo chí cũng phải "giãn cách": Cần hỗ trợ kịp thời

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Thực phẩm chức năng năm 2021: Thách thức và cơ hội

Thông tin về bệnh thoát vị đĩa đệm và giải pháp cải thiện từ thiên nhiên

Thông tin về bệnh thoát vị đĩa đệm và giải pháp cải thiện từ thiên nhiên

Bộ Y tế: Ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, việc bắt đầu từ 23/8 đến ngày 15/9/2021, báo Thanh Niên sẽ tạm ngừng phát hành tờ báo in, dù nhìn dưới góc độ nào, thì cũng là một điều không vui không chỉ đối với báo Thanh niên mà còn đối với giới báo chí và bạn đọc cả nước. Việc này càng cho thấy rõ thêm nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt báo in, đang đứng trước khó khăn rất lớn. Thanh Niên không phải là tờ báo đầu tiên tạm dừng xuất bản báo in. Nhưng đây là một trong những tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất cả nước, một tờ báo có sức hút mạnh, có lượng bạn đọc đông đảo. Như trong thư của Tổng biên tập báo Thanh niên gửi độc giả nói rằng: "Quyết định tạm ngừng phát hành có thời hạn là giải pháp tình thế chẳng đặng đừng do hoàn cảnh khách quan, chưa từng có trong hơn 35 năm hoạt động của Thanh Niên...". Việc “chẳng đặng đừng” ấy, cho thấy khó khăn của báo chí đang ở cấp độ nghiêm trọng. Mà một nguyên nhân trực tiếp có thể nhìn thấy rõ là do giãn cách xã hội kéo dài khiến hệ thống phát hành khó hoạt động, không thể đưa báo đến tay bạn đọc.

Tờ báo Thanh niên là một trong những tờ báo có đóng góp rất đáng ghi nhận trong việc hình thành và giữ được thói quen đọc báo in, nhìn xa hơn là góp phần giữ được vị thế của báo in ở nước ta trong thời đại thông tin kỹ thuật số. Việc ngừng xuất bản tạm thời có thể gây ra sự hẫng hụt nhất định không chỉ về thông tin, nhất là thông tin về phòng chống dịch, mà còn về tâm lý của bạn đọc, mặc dù, bên cạnh báo in, Thanh niên điện tử có lượng truy cập rất cao, có ngày lên tới 12-15 triệu lượt truy cập.

"Không thể không xem xét tác động về mặt xã hội, nếu như không phải chỉ một mà một số tờ báo nào đó sẽ phải tạm ngừng xuất bản do không đủ sức vượt qua khó khăn ngày càng gay gắt. Báo chí đang rất cần được hỗ trợ không chỉ về mặt tài chính mà còn cần các điều kiện, phương diện khác nữa để nhanh chóng vượt qua được khó khăn hiện nay, trong đó, đuơng nhiên vấn đề nổi cộm nhất là tự chủ tài chính, cân đối thu chi. Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ không chỉ với các đồng nghiệp ở báo Thanh niên mà còn với anh em ở các cơ quan báo chí khác vẫn đang nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục cầm cự, tiếp tục tiến về phía trước. Hy vọng các cơ quan báo chí sẽ có phương án phù hợp để vẫn giữ được ấn phẩm chính đưa đến tay bạn đọc. Có thể các cơ quan báo chí sẽ tính toán phương án nào đó để cân đối hơn, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội như hiện nay, ví dụ như giảm bớt lượng phát hành, giảm kỳ, nhưng vẫn duy trì được hệ thống phát hành, ít nhất là đến được các đầu mối lớn, ít nhất là để tờ báo vẫn hiện diện trên mặt trận văn hoá - thông tin như một vũ khí chiến đấu", ông Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ngay từ tháng 3/2020, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền nhằm đề xuất, kiến nghị để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam rất chia sẻ khó khăn của các cơ quan báo chí hiện nay. Từ thực tế đó, chúng tôi tiếp tục kiến nghị các nội dung hỗ trợ các cơ quan báo chí bao gồm:

- Miễn, giảm thuế cho các cơ quan báo chí;

- Miễn phạt chậm nộp thuế cho các cơ quan báo chí;

- Một số cơ quan báo chí có Quỹ phát triển sự nghiệp thì được phép sử dụng quỹ đó để đảm bảo hoạt động cho các phóng viên làm nhiệm vụ tại các tâm dịch, mua sắm trang thiết bị phục vụ tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, mua sắm trang thiết bị để thiết lập kênh trực tuyến duy trì hoạt động của các cơ quan báo chí, phát huy mô hình báo chí hội tụ trong điều kiện không thể thuận tiện đi lại gặp mặt, hội họp.

- Đối với một số cơ quan báo chí có quỹ phát triển sự nghiệp, nay do khó khăn về tài chính, không có đủ tiền trả lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi cho phóng viên và các cán bộ nhân viên, thì đề xuất cho phép các cơ quan này được sử dụng quỹ đó, trích bổ sung thu nhập để duy trì đời sống của anh em, giảm nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ nhuận bút…

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các cơ quan báo chí, bởi ngay cả việc miễn, giảm thuế nếu được áp dụng, cũng không hẳn tất cả các cơ quan báo chí đều thực sự được thụ hưởng. Trên thực tế, chỉ những cơ quan báo chí có nguồn thu và doanh số đáng kể mới có thể thụ hưởng, còn những cơ quan báo chí không có nguồn thu thì cũng không nộp thuế. Các cơ chế hỗ trợ đặc thù này có thể bao gồm: Thứ nhất, cho các cơ quan báo chí được vay ưu đãi lãi suất 0%, hoặc lãi suất ở mức thấp, phù hợp điều kiện của các cơ quan báo chí để trả lương và duy trì hoạt động; Thứ hai, hỗ trợ trực tiếp cho đội ngũ phóng viên tác nghiệp trên tuyến đầu chống dịch, mức hỗ trợ có thể tương tự như các lực lượng trên tuyến đầu khác…

Đương nhiên, một số giải pháp như tăng cường đặt hàng các cơ quan báo chí, thực hiện các chuyên đề, tăng cường đặt mua báo…, Hội Nhà báo Việt Nam vẫn tiếp tục đề xuất và mong được thúc đẩy hơn để có hiệu quả thực sự. Về lâu dài, đối với bài toán kinh tế báo chí, có lẽ cần một Đề án tổng thể tầm mức quốc gia, đòi hỏi có sự chủ trì và tham gia của các Bộ ngành liên quan thì mới có thể giải quyết được.

Hội Nhà báo Việt Nam trân trọng cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông… luôn sát cánh, thấu hiểu khó khăn của báo chí, đã và sẽ có những đề xuất hỗ trợ phù hợp với nhu cầu, mong muốn của các cơ quan báo chí hiện nay. Hy vọng với sự đánh giá cao vai trò quan trọng và sự đóng góp tích cực của báo chí, sự quan tâm sâu sắc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các vị tư lệnh ngành, những đề xuất này sẽ thành hiện thực, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, trước mắt là hỗ trợ kịp thời để báo chí làm tốt vai trò lực lượng chủ lực trên mặt trận thông tin, tiên phong trên tuyến đầu chống dịch, lan tỏa “vaccine tinh thần” cùng cả nước đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh!

Minh Minh (theo Nhà báo và Công luận)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn