Khám bệnh phổi phát hiện mắc bệnh tim - Vì đâu nên nỗi?

Bị khó thở không có nghĩa là mắc bệnh phổi

Khám bệnh tim mạch và ung thư miễn phí ở Hà Nội

Bạn có tin tưởng khám bệnh trực tuyến không?

Công khai quy trình khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương

NÓNG: Phòng khám mạo danh trực thuộc Bộ Y tế?

Đo chức năng hô hấp chỉ còn lại hơn 50%, các triệu chứng khó thở ngày càng tăng dần, bà V. được bác sỹ hô hấp nội soi, siêu âm để xác định nguyên nhân. Bác sỹ khám bệnh cho bà V. cũng nghi ngờ bà mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì các dấu hiệu hoàn toàn phù hợp với căn bệnh này. Tuy nhiên, kết quả thăm khám lại khiến cho cả bác sỹ và bệnh nhân kinh ngạc: Phổi hoàn toàn bình thường, đường thở sạch, thoáng và không có viêm đường hô hấp.

Dấu hiệu có thở có thể là do vấn đề tim mạch

Bà V. cho biết, gia đình bà sử dụng bếp trấu đã hơn 10 năm nay. Khói bếp khiến bà V. bị cay mắt, khó thở, ho sặc sụa mỗi lần nấu cơm, nấu cám lợn… nhưng lâu rồi thành quen, bà cũng chẳng để ý nhiều. Tuy nhiên, gần đây bà lại thấy khó thở, tăng dần theo thời gian. “Khó thở lắm chú ạ. Có lúc làm vườn xong tôi mệt tưởng chết đến nơi vì không thở được. Đã mấy tháng nay rồi, không làm được việc gì nặng nữa”, bà V. cho biết.

Giở sổ khám bệnh ra mới thấy, bà V. đã khám nhiều lần ở bệnh viện địa phương, được chẩn đoán viêm phổi, hen phế quản nhẹ. Bà được cấp thuốc nhưng uống mãi mà bệnh tình không có dấu hiệu tiến triển. Trong khi đó, khó thở thì ngày một nặng dần.

Không phát hiện được nguyên nhân, bác sỹ khám bệnh cho bà đành phải hỏi chuyện thêm về các triệu chứng khác mỗi khi bà cảm thấy khó thở. Một dấu hiệu quan trọng mà bà V. quên nói là bà bị tức ngực, khó thở khi vận động gắng sức (làm việc nặng), bình thường thì không sao. Nghe đến đây, bác sỹ vội đưa bà sang khoa tim mạch để thăm khám.

Khám bệnh phổi phát hiện mắc bệnh tim

Kết quả đúng như dự đoán, bà V. đã được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim giãn nở – một tình trạng khiến tim bị to ra, bơm máu kém đi, khiến máu lên phổi và đi khắp cơ thể bị đình trệ, lâu dần có thể dẫn đến suy tim - với triệu chứng đặc trưng là khó thở sau khi vận động gắng sức.

Bà V. mặc dù biết mình mắc bệnh tim nhưng vẫn vui mừng: “Người có bệnh, biết mình mắc bệnh gì thì vui lắm chú ạ. Nhiều người bệnh chẳng được may mắn như tôi đâu, đến chết còn chẳng biết mình mắc bệnh gì ấy chứ”. Bà V. kể, như người hàng xóm của bà, có đờm ở cổ đến vài năm, đi soi tai mũi họng, đi khám giáo sư, cấp thuốc uống cũng như không, "nhiều bệnh nhân như tôi, đi khám không ra bệnh thì cũng đành bó tay, biết làm thế nào được". Đã có lúc bà muốn bỏ cuộc lắm, nhất là lúc bác sỹ của khoa hô hấp báo là phổi và đường hô hấp bình thường.

“Tôi chỉ mong các ông lãnh đạo ngành y cấp cho người dân một ông bác sỹ giỏi ngồi tư vấn ở cửa bệnh viện, phân loại bệnh cho chúng tôi đỡ khổ. Chứ bây giờ khám cũng toàn đi đoán mò xem mình mắc bệnh gì rồi mới đi. Rồi có khi tự đi khám cũng chẳng ra bệnh gì ấy chú ạ”, bà V. chia sẻ.

Câu chuyện của bà V. cũng khiến tôi giật mình. Ngoại trừ các trường hợp cấp cứu, người dân đi khám bệnh cũng không biết phải trông vào ai để xác định bệnh của mình và phải đi khám ở đâu? Tôi cũng đưa người thân đi khám bệnh nhiều lần. Quy trình khám chủ yếu là tự đoán bệnh, đến bệnh viện, nộp lệ phí khám sau khi thu ngân hỏi “khám gì?” và vào phòng bác sỹ để chẩn đoán. Sẽ ra sao nếu bệnh nhân đau mà không biết mình mắc bệnh gì, không phát hiện ra bệnh? Phải chăng, quy trình ấy, nên cần có một sự thay đổi?

Tiêu Bắc H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết