



Trong vài năm gần đây, chúng ta hay được nghe câu đó trong các phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Câu đó cũng được nêu lên trong nhiều văn bản chỉ đạo - điều hành, các phong trào thi đua, chương trình hành động từ trung ương đến địa phương, của các cấp các ngành trong việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đồng bào vùng sâu vùng xa...
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” thể hiện sự quan tâm chăm lo đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người nghèo, yếu thế trong xã hội. Phương châm đó là sự thể hiện cao cả mục đích phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta, như Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu: "Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân; nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng; mọi sự phấn đấu của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc" (TBT tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X - tháng 10/2024).
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” - có thể coi như một khẩu hiệu hành động - kim chỉ nam cho các cấp, các ngành trong việc chăm lo bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; lấy mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn.
Làm sao để phương châm đầy chất nhân văn này thực sự trở thành hiện thực trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trên mọi miền đất nước? Những chủ trương lớn về giáo dục và y tế - những lĩnh vực liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày của người dân được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lên và đang được thể chế hóa ngay trong thời gian gần đây có thể xem là những bước triển khai cụ thể.
Trong lĩnh vực giáo dục, tại phiên họp Bộ Chính trị ngày 28/2/2025 để kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai bước đầu việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Chính trị đã thống nhất cao chủ trương thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, nhanh chóng hơn nữa các nội dung của Nghị quyết 18 trong năm 2025.
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về khả năng cân đối tài chính trong và sau quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước. Thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025-2026 (tháng 9/2025 trở đi). Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, một số bộ, ngành liên quan và các địa phương phối hợp cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc quyết định nêu trên.
Thông tin mới nhất cho biết, tại phiên họp sáng 17/5, với tỉ lệ đại biểu tán thành trên 91%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 - một nội dung mới được bổ sung vào chương trình kỳ họp, để thực hiện chính sách miễn học phí.
Chi phí cho việc học hành của con em là mối quan tâm lớn của mỗi gia đình cũng như cả xã hội, vì vậy chính sách miễn học phí được thực hiện ngay từ năm học mới 2025-2026 đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của dư luận xã hội. Một gánh nặng của các gia đình, nhất là các gia đình thu nhập thấp, yếu thế đã vợi bớt.


Cùng với gánh nặng chi phí học hành, một gánh nặng khác với mỗi gia đình Việt Nam chính là chi phí cho việc khám, chữa bệnh. Nhiều gia đình trở nên kiệt quệ khi có người mắc bệnh hiểm nghèo. Người bệnh đi khám chữa bệnh là một hành trình đầy nỗi truân chuyên!
Tổng Bí thư Tô Lâm, chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, đã có ít nhất 2 lần đề cập tới công việc của ngành Y tế. Trong cuộc làm việc với ngành Y tế (ngày 24/2) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng với việc biểu dương thành tích đã đạt được, những đóng góp to lớn của ngành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của đội ngũ giáo sư, bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành y tế trong cả nước, ông cũng đã chỉ ra những thách thức hiện nay, những hạn chế, bất cập trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và chỉ đạo phương hướng nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó Tổng Bí thư đã nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành Y tế không chỉ là khám, chữa bệnh mà phải là phòng ngừa bệnh tật, chăm sóc sức khỏe nhân dân để hạn chế bệnh tật. Tổng Bí thư yêu cầu ngành y tế vươn dậy, để có được “một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta” như mong muốn của Bác Hồ cách đây 70 năm. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra rằng, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Mới đây nhất (ngày 23/4), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như định hướng thời gian tới. Theo văn bản của Văn phòng Trung ương truyền đạt kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm, điều đầu tiên ông nhấn mạnh sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, là nền tảng quan trọng nhất cho hạnh phúc của mọi người và sự phát triển của quốc gia. Vì vậy, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác của ngành Y tế cần phải khắc phục ngay, như: Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể và đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân ở nhiều nơi chưa được bảo đảm đầy đủ. Nhiều hành vi, thói quen có hại cho sức khỏe vẫn chưa được khắc phục một cách căn bản. Chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền còn lớn. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em còn cao. Tầm vóc của người Việt Nam cải thiện chậm, số năm sống khỏe chưa tăng tương ứng với tuổi thọ. Nhiều vấn đề tồn tại trong lĩnh vực y tế chưa được giải quyết kịp thời và hiệu quả như vấn đề củng cố y tế cơ sở, khám sức khỏe định kỳ cho người dân, quá tải bệnh viện tuyến trên, thiếu nhân lực ngành Y tế, chuyển đổi số lĩnh vực y tế, vấn đề quản lý thuốc, thực phẩm chức năng, dược phẩm, thiết bị y tế. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Tổng Bí thư nhắc nhở rằng: Việt Nam được xếp vào trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, nguồn nước cao; có số người sử dụng rượu bia, hút thuốc lá cao trên thế giới...
Chỉ đạo những định hướng công tác trong thời gian tới cho ngành Y tế, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển nhanh và bền vững. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân cần hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc; nguồn nhân lực phải có đủ sức khỏe về thể chất, tinh thần, trí tuệ và đạo đức để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.


Tổng Bí thư yêu cầu xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch tuyên truyền một cách kiên trì, bài bản, phổ cập lối sống có lợi cho sức khoẻ; xây dựng văn hoá sức khỏe trong nhân dân. Ông nhấn mạnh: Một xã hội khỏe mạnh không thể chỉ trông chờ vào bác sĩ. Phòng bệnh phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân. Những yếu tố cơ bản của văn hoá lành mạnh đó là: Ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, thể dục, thể thao, khám sức khỏe định kỳ; nói không với rượu bia, thuốc lá, chất kích thích; chăm sóc sức khoẻ tinh thần, sống tích cực, yêu thương và chia sẻ... Đây chính là nền tảng cho một Việt Nam khỏe mạnh hơn trong tương lai.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Việc miễn viện phí cho toàn dân là chủ trương rất lớn, nhân văn, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta trong việc chăm nom sức khỏe cho người dân. Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tiến tới miễn phí cho người dân không chỉ là định hướng mang tính chiến lược lâu dài mà là mục tiêu toàn ngành y tế quyết tâm thực hiện. Đây là chính sách chạm đến trái tim của hàng triệu người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Theo chỉ đạo Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo để báo cáo Chính phủ, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó đề xuất nhiều giải pháp chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hai định hướng mà Tổng Bí thư đưa ra bao gồm khám cho người dân một năm một lần và miễn viện phí cho toàn dân không chỉ là mục tiêu y tế mà còn gửi đi thông điệp sâu sắc rằng "Chính sách phải bắt nguồn từ con người, vì con người, vì một Việt Nam phát triển bền vững". Khám sức khỏe định kỳ cho người dân không phải là điều quá xa vời nếu chúng ta có quyết tâm chính trị đủ mạnh, sự đồng thuận xã hội rộng rãi và một lộ trình thực hiện rõ ràng, bài bản.

Những chủ trương lớn nêu trên không chỉ là những chính sách giàu tính nhân văn mà còn cụ thể hóa quan điểm nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong mọi chủ trương đường lối của Đảng, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân; nhân dân là trung tâm, chủ thể trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng; mọi sự phấn đấu của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị chỉ có ý nghĩa khi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc". Đấy cũng chính là nền tảng cho sự ổn định và phát triển đất nước.


Bình luận của bạn