Không còn ca COVID-19 phải thở ECMO, Hà Nội chuẩn bị tiêm vaccine mũi 4

Hà Nội sẽ tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 ngay trong tuần này - Ảnh: Nguyễn Hiệp

Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 7/6/2022

Thu hồi trên toàn quốc lô Dung dịch rửa tay kháng khuẩn HAPPICARE+ kém chất lượng

MEDTALKS 6: Dinh dưỡng và vận động cho trẻ hậu COVID-19 như thế nào?

Chủ động phòng dịch cúm gia cầm, nguy cơ nhiễm nấm từ món mối đặc sản

Theo Bộ Y tế, hiện hơn 9,5 triệu người mắc COVID-19 khỏi bệnh; Còn 1,16 triệu F0 đang điều trị, giám sát, không có bệnh nhân nào phải thở ECMO. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, do đó cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Trên thế giới, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia (Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nam Phi...) và tại khu vực châu Mỹ, châu Phi và Tây Thái Bình Dương. Các biến chủng, biến chủng phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội ngày 7/6 cho biết sẽ triển khai tiêm mũi 4 ngay tuần này với hơn 203.000 liều vaccine COVID-19 vừa được phân bổ. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiêm mũi 4 cho người từ 50 tuổi, người 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng, hoặc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 như nhân viên y tế, công nhân, người làm việc trong khu công nghiệp, người ở tuyến đầu chống dịch. Mục tiêu là bao phủ mũi 4 cho trên 95% người dân thuộc các nhóm nói trên. Hiện, chưa rõ số lượng người Hà Nội thuộc diện tiêm mũi 4. Vaccine sử dụng để tiêm gồm Pfizer hoặc Moderna, AstraZeneca hoặc vaccine cùng loại với mũi 3.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ĐắK LắK, ngày 7/6, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong nghi do dại. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, mệt mỏi, ăn uống kém, sợ nước và gió. Theo từ người nhà bệnh nhân, trước đó, vào ngày 9/5, bệnh nhân bị mèo cắn, cào ở tay và bệnh nhân không đi tiêm phòng vaccine dại. Sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục giám sát ổ dịch dại trên người tại địa phương. Đẩy mạnh tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại, đồng thời phối hợp các cơ quan đoàn thể liên quan có hướng xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa cắt bỏ thành công khối u xơ tử cung nặng hơn 3kg, chiếm hết toàn bộ tử cung. Được biết, cách đây khoảng 1 năm, bệnh nhân thấy đau bụng, đã đi khám và phát hiện có 1 khối u xơ tử cung, nhưng quyết định về tự dùng thảo dược để chữa bệnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh nhân thấy đau tức vùng bụng dưới nhiều, kèm theo rong huyết nên đến viện. Hiện tại, sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và tiếp tục điều trị, theo dõi tại Khoa Phụ sản của bệnh viện. Qua trường hợp trên, bác sỹ khuyến cáo, phụ nữ nên đi khám sức khỏe định kỳ từ 3 - 6 tháng/1 lần. Khi thấy sức khỏe có dấu hiệu bất thường, chị em phụ nữ nên đến các cơ sở y tế sớm để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà, không nghe theo truyền miệng sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc, tránh biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viện Đa khoa An Phát (Tân Kỳ, Nghệ An) vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị dòi làm tổ trong tai. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau và có chảy máu lỗ tai phải. Trước đó, bệnh nhân có con nhặng xanh bay vào tai và đã được người nhà lấy ra. Tuy nhiên, mấy ngày sau, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau và có dịch ở tai nên đến viện kiểm tra. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định nội soi tai mũi họng, phát hiện hàng trăm con dòi (ấu trùng nhặng xanh) tại khung nhĩ trước màng nhĩ. Qua trường hợp của bệnh nhân, bác sỹ cảnh báo: Nếu không may bị bay vào thì nên vệ sinh sạch sẽ ngay để tránh nhặng xanh làm tổ và gây nên những hậu quả đáng tiếc.

Ngày 7/6, Bộ Y tế Campuchia tuyên bố đã loại bỏ COVID-19 sau khi bệnh nhân cuối cùng hồi phục. Như vậy, đây là quốc gia Châu Á đầu tiên và là nước thứ 2 trên thế giới sau Thụy Điển tuyên bố hết COVID-19. Ngoài ra, Mexico đã chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp do COVID-19 nhưng chưa tuyên bố hết dịch.

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin