Không nghiêm, 'sâu y tế' càng nhân bản!

Chữa bệnh cho thầy thuốc

Vụ việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) là biểu hiện của việc y đức xuống cấp một cách nghiêm trọng. Là người nhiều năm bám sát và giám sát ngành y tế, ông nhận định gì về vấn đề y đức hiện nay?



TS. Nguyễn Văn Tiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội

Bên cạnh số cán bộ y tế giữ lương tâm của nghề y, vẫn còn cán bộ bị tiêu cực ngấm sâu. Và qua quá trình giám sát, chúng tôi có thể khẳng định, 9/10 khiếu kiện của ngành y là khiếu kiện do lỗi về y đức. Cán bộ y tế có thái độ phục vụ không tốt gây ra hậu quả cho bệnh nhân, lại không có lời giải đáp thỏa đáng khiến cho người bệnh, người nhà và dư luận bức xúc.

Các nghiên cứu của ngành y tế đã chỉ ra các bất cập như hình thành lợi ích nhóm tư nhân ngay trong bệnh viện công, gây mất công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.



Y đức xuống cấp biểu hiện nhiều mặt như "phong bì thành lệ", ăn chia hoa hồng tiền thuốc, "tắc trách, vô cảm" bỏ rơi bệnh nhân... Tất cả những hành vi đó đều đáng lên án. Với vụ việc "nhân bản" mẫu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), tôi không thể nghĩ được cán bộ y tế lại cả gan làm như vậy. Những việc làm này không chỉ vi phạm y đức mà còn phạm luật hình sự vì tội làm giả.

Nguyên nhân của việc xuống cấp về y đức là do tác động của kinh tế thị trường, sức hút của đồng tiền làm chiếc áo blouse bị nhuộm màu xám. Do việc xử lý các sai phạm trong ngành y chưa nghiêm, không tới nơi tới chốn, xử lý kỷ luật chỉ dừng ở mức nội bộ nên không có sức răn đe, cảnh tỉnh, người chưa bị bắt còn nhơn nhơn. Những vụ việc xử lý hình sự thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có người cho rằng số y, bác sỹ vi phạm y đức chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng nếu không quyết liệt chữa trị, sâu y tế càng "nhân bản", y đức càng xuống cấp, khoảng tối trong y tế càng lớn dần. Thay vì nhìn nhận những thành quả của ngành y, người ta lại chỉ nhìn thấy những bất cập về y đức.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân tiêu cực của ngành y tế bắt nguồn từ vấn đề xã hội hóa y tế. Ông nghĩ sao?


Xã hội hóa y tế là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Quốc hội, khiến bộ mặt của ngành y tế Việt Nam thay đổi và phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Có thể nói, y tế Việt Nam đã chạy khá nhanh, ngang bằng khu vực về kỹ thuật, nhưng do chạy nhanh - chủ yếu nhờ nguồn xã hội hóa - nên hàng ngũ bị xộc xệch, nhất là y đức. Dù ngân sách cho y tế đã tăng, nhất là từ trái phiếu gần đây, song vẫn cần huy động nguồn lực xã hội hóa mới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nhưng tất nhiên, cần phải chấn chỉnh mặt tiêu cực do tiến hành xã hội hóa.


Cần chấn chỉnh các tiêu cực do xã hội hóa trong y tế và biểu dương những tấm gương phát hiện và tố cáo các tiêu cực đó

"Tôi thấy, trong khi các thành phố này đang say sưa với các cao ốc, các khu đô thị thì việc xây dựng, phát triển các bệnh viện, trung tâm y tế vẫn chưa đúng mức".
Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH

Các nghiên cứu của ngành y tế đã chỉ ra các bất cập như hình thành lợi ích nhóm tư nhân ngay trong bệnh viện công, gây mất công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, tạo ra sự phân biệt quá rõ giữa người có tiền và người nghèo về thái độ, chất lượng phục vụ.

Một số nơi lợi dụng chuyên môn y tế để bắt người bệnh làm đủ loại xét nghiệm, ngay cả khi chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên, bắt chụp chiếu, điều trị không cần thiết, rồi móc ngoặc ăn chia với phòng khám tư, cửa hàng thuốc... Đây là khoảng tối cần phải chữa trị để tiến tới nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục thực hiện xã hội hóa y tế, theo nghĩa đầy đủ, đó là ngân sách tăng chi cho y tế, vì mệnh giá mua BHYT từ ngân sách hiện nay chỉ 550.000 đồng là quá ít, rồi huy động nguồn lực tư nhân cho y tế vào bệnh viện công trên cơ sở minh bạch, thiết lập khu vực dịch vụ riêng, cho vay vốn ngân hàng để mua sắm thiết bị y tế, thu giá hợp lý, như vậy nhân dân không kêu ca, bác sỹ ít có cơ hội lạm dụng.

Về vấn đề lạm dụng xét nghiệm, theo tôi, do Bộ Y tế chưa ban hành chuẩn về xét nghiệm nên các bệnh viện không công nhận xét nghiệm của nhau. Mỗi một lần chuyển tuyến, chuyển viện, bệnh nhân phải xét nghiệm lại từ đầu, gây tốn kém về thời gian và tiền của, gây ra tình trạng loạn xét nghiệm.

Không thể kiểm tra kiểu trống giong cờ mở


Tại sao ngành y tế không phát hiện và chủ động ngăn chặn những sai phạm tại các bệnh viện?


Nhìn chung, các đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước cũng như của ngành y tế đều chưa đủ sâu sát để phát hiện sai sót, nên chưa đủ sức răn đe dẫn đến sai phạm nhiều. Nếu tiếp tục các đoàn công tác theo kiểu trống giong, cờ mở không thể phát hiện những tiêu cực, tồn tại, vì không ai tự chặt chân mình.


Nên tránh những cuộc kiểm tra "trống dong cơ mở" để phát hiện được những tiêu cực cũng như tích cực tại các cơ sở y tế

Vì thế, bên cạnh thanh tra, kiểm tra thường xuyên, phải thu thập thông tin, bằng chứng từ báo chí, nhân dân. Cần khuyến khích người dân dũng cảm tố cáo sai phạm trong ngành y. Tuyên dương, khuyến khích những người như chị Hoàng Thị Nguyệt (Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức), vì đó là hành động đáng nể, rất dũng cảm và đáng khen thưởng.

Ngoài việc đòi hỏi trách nhiệm của Bộ Y tế, chúng ta cũng cần nêu cao trách nhiệm của địa phương, như vai trò của UBND các cấp và Sở Y tế trong việc quản lý nhà nước với địa phương. Ví dụ, vụ tiêm vắc-xin khiến trẻ sơ sinh tử vong tại Quảng Trị, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Y tế phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Hay trong vụ "nhân bản" mẫu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, UBND TP Hà Nội đã kịp thời thực thi chức trách của mình.

Còn trách nhiệm của bảo hiểm y tế?


Việc khám chữa bệnh cho đối tượng có bảo hiểm y tế (BHYT) thời gian qua cũng là một vấn đề gây bức xúc cho dư luận, như sự phân biệt đối xử giữa người khám bằng thẻ BHYT với người khám dịch vụ. Nếu người khám dịch vụ được tiếp đón, chăm sóc ân cần thì người dùng thẻ BHYT có thể bị bác sĩ, y tá? có thái độ phục vụ không tốt. Nhưng đó là trách nhiệm của bệnh viện chứ không phải BHYT. Tuy nhiên, về phía cơ quan BHYT, cần có lực lượng giám định BHYT đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi nhân dân, chống lạm dụng quỹ BHYT, tránh hiện tượng bệnh viện nào giỏi quan hệ, biết cách xử lý kỹ thuật thì được thanh toán nhiều hơn. Thực tế, cùng hạng bệnh viện, nhưng có nơi trần thanh toán là 1 triệu đồng/ca bệnh, có nơi là 4 triệu/ca, vậy đó là gì?

Tôi cho rằng, thời gian qua, BHYT đã làm tốt việc kiểm tra, giúp nhiều tỉnh hết bị mang tiếng là luôn lạm dụng quỹ BHYT, nhưng cần tích cực hơn để tạo sự công bằng giữa các địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần chỉnh sửa Luật BHYT để tạo điều kiện thực hiện BHYT toàn dân.

Thúc đẩy phát triển bệnh viện tư


Các nước trên thế giới đã giải quyết những tồn tại của ngành y tế như thế nào?


Với vấn đề xuống cấp về y đức, tôi thấy rằng, các nước đều sử dụng biện pháp răn đe mạnh như tước giấy phép hành nghề, nếu nghiêm trọng là truy tố, đưa ra xét xử để làm gương, đồng thời có cơ chế đãi ngộ phù hợp.


Xây dựng thêm những bệnh tư nhân giúp giảm tải bệnh viện công

Tại Việt Nam, trong bối cảnh bệnh viện công quá tải, là cơ hội phát triển thêm bệnh viện tư nhân, bệnh viện cổ phần. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, gần 90% là bệnh viện tư. Tại Hàn Quốc, không có bệnh viện công nào lớn như Bệnh viện Bạch Mai của Việt Nam.

Vì vậy, Nhà nước, nhất là chính quyền Hà Nội và TPHCM cần hỗ trợ quỹ đất, nhân lực, chính sách khuyến khích bệnh viện tư nhân phát triển. Tôi thấy, trong khi các thành phố này đang say sưa với các cao ốc, các khu đô thị thì việc xây dựng, phát triển các bệnh viện, trung tâm y tế vẫn chưa đúng mức. Số bệnh viện xây mới còn hạn chế, quá ít so với nhu cầu của người bệnh.

Bên cạnh đó, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ người dân trong BHYT, nâng cao mức chi trả của BHYT, khi đã BHYT toàn dân thì bệnh nhân có thể khám chữa bệnh tại bất kỳ bệnh viện công hay bệnh viện nào, dù tư nhân.

Cảm ơn ông.!

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý