Nhịn ăn để phòng bệnhvà hỗ trợ điều trị
ThS. BS Quan Vân Hùng, nguyên Trưởng khoa Nội II, Viện Y học dân tộc TP.HCM cho biết: nhịn ăn có thể áp dụng trên bệnh cấp tính và mạn tính. Khi bị bệnh cấp tính (cảm cúm, nhiễm siêu vi...), phản ứng tự nhiên của cơ thể là tập trung năng lượng để trị bệnh, do đó một số cơ quan không hoạt động liên tục, trong đó bộ máy tiêu hóa sẽ tự điều chỉnh, khiến bệnh nhân chán ăn, ngửi thấy thức ăn có cảm giác buồn nôn... Nhịn một vài bữa không lo suy dinh dưỡng vì cơ thể luôn có nguồn dự trữ. Nếu bệnh nhân là người béo phì thì đây là dịp rất tốt để giảm cân.
Khi nhịn ăn, thiếu năng lượng cung cấp từ bên ngoài, cơ thể phải sử dụng những nguồn năng lượng sẵn có, ưu tiên chọn nguồn mỡ-đường-đạm dư thừa, kể cả tế bào - mô viêm, bất thường… theo một cơ chế gọi là tự tiêu hóa, tự phân hủy. Cụ thể như chuyển hóa mỡ dự trữ, phóng thích những axít béo tự do vào máu, đưa qua gan để tạo thành năng lượng.
Khi lượng mỡ dự trữ được tiêu thụ càng nhiều thì nhiều chất độc hại, tích trữ trong mô mỡ sẽ được phóng thích, đưa vào máu và đào thải ra ngoài cơ thể. Ngay cả những độc chất không tìm thấy trong thức ăn nhưng đã được cơ thể hấp thu từ môi trường xung quanh (qua đường hô hấp, qua da,…) như chất DDT, một vài chất trong thuốc trừ sâu tích trữ tại mô mỡ sẽ được loại khỏi cơ thể trong quá trình nhịn ăn (điều này đã được chứng minh bằng các xét nghiệm tìm thấy DDT trong phân, nước tiểu của những người đang thực hành phương pháp nhịn ăn).
Ngoài ra, các độc chất có sẵn trong cơ thể từ quá trình tiêu hóa thực phẩm như axít uric - gây bệnh gút, urê, NH3… (ứ đọng quá nhiều do ăn uống dư thừa trong quá khứ) cũng được cơ thể “thanh toán” nhanh chóng. Nhịn ăn là một quá trình thanh lọc cơ thể, giải độc tự nhiên, do đó có kết quả tốt trên hệ thần kinh, trí óc minh mẫn, sáng suốt, giảm lo âu, ngủ ngon.
Tuy vậy, BS Hùng khuyến cáo: để nhịn ăn có hiệu quả cao, tránh các tai biến, cần nắm vững phương pháp. Nên nhịn ăn trong một môi trường không khí trong sạch, luôn luôn có kết hợp luyện thở (tăng cường lượng oxy để thay thế phần nào thức ăn), tập thể dục nhẹ, tránh lao động nặng, stress, có chuyên viên kinh nghiệm hướng dẫn, theo dõi và giúp đỡ. Nhịn ăn nhưng không nhịn uống. Nên uống kèm nước trái cây. Thời gian nhịn ăn từ một đến ba ngày tùy bệnh lý, sức khỏe. Nhịn ăn những lần sau có thể lâu hơn nhưng luôn luôn phải có chuyên viên theo dõi sát để phòng tai biến.
Thanh lọc giải độc bằng cách tẩy xổ và lợi tiểu
Theo DS Trần Văn Trễ - nguyên Trưởng phòng Dược liệu, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, loại thải các chất độc tồn đọng trong cơ thể là một cách trị bệnh theo Đông y.
Hai cơ quan rất quan trọng để bài tiết, loại thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể là ruột già (thải phân) và thận (thải nước tiểu); ngoài ra còn có các tuyến mồ hôi (thải mồ hôi) và phổi (thải khí carbonic và các chất độc khác qua đường thở). Nếu vì một nguyên do nào đó mà các cơ quan này suy yếu, không làm tròn nhiệm vụ, chất độc sẽ tồn đọng, gây độc, biểu hiện là da kém tươi nhuận, có thể có triệu chứng ngứa, thân mình nặng nề, mệt mỏi, ăn ngủ không ngon, sưng đau khớp, viêm gan...
Lúc đó các thầy thuốc phải dùng đến phép tẩy xổ, lợi tiểu để giúp cơ thể thải độc. Về nguyên tắc là dùng các vị thuốc có tác dụng hạ lợi, nhưng liều lượng và thời gian bao nhiêu thì còn tùy vào sức khỏe, tổng trạng của người bệnh. Trong quá trình điều trị, thầy thuốc phải theo dõi liên tục, vì việc tẩy xổ, lợi tiểu có liên quan đến cân bằng thể dịch, cân bằng ion, cân bằng kiềm toan... Mất cân bằng thái quá có thể nguy hiểm đếntính mạng.
Muốn thanh lọc cơ thể, theo Đông y là giữ cho cơ thể mạnh khỏe, cụ thể là ruột và thận, tập thói quen đi tiêu tiểu đúng giờ mỗi ngày. Các thầy thuốc Đông y khuyên mỗi tháng nên tẩy xổ một lần, uống đủ nước và ăn vừa đủ để bụng không đầy và nặng, nhu động ruột được điều hòa.
Cần tìm hiểu thông tin qua tài liệu chính quy Phương pháp thanh lọc cơ thể bắt nguồn từ thiền và khí công. Tuy nhiên, đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào về hiệu quả của phương pháp này. Chúng ta nên biết, sinh lý bình thường của con người là mỗi ngày nhận dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể, đồng thời cơ thể cũng có cơ chế thải chất độc: mồ hôi, nước tiểu và phân. Cần chủ động giảm lượng chất độc vào cơ thể (như hút thuốc lá, dung nạp chất không rõ nguồn gốc, chất ôi thiu…), tập thể dục đều đặn và uống nhiều nước để thải chất độc ra bằng đường tiểu, ăn nhiều chất xơ để thải qua đường phân, tránh táo bón làm “lưu trữ” chất độc… Việc nhịn ăn, uống nước để giải độc trong thời gian dài sẽ làm hại cho các tế bào trong cơ thể, nhưng có thể do các tế bào chỉ chết 20 hoặc 30% nên chúng ta không thấy hoặc không biết được (trường hợp của bạn nữ ở Hà Nội bị chết não). Trên thực tế, nếu cá nhân nào cho rằng đã áp dụng thành công thanh lọc giảm cân thì sự thành công đó chỉ mới trên danh nghĩa cá nhân. Với khoa học, mọi sự việc đều phải được chứng minh cụ thể. Khi muốn áp dụng biện pháp can thiệp nào đó, cần phải biết rõ cơ sở khoa học của nó, đồng thời tài liệu đó phải được công bố chính quy. BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch |
Bình luận của bạn