Nhân viên y tế hiến máu cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Cát Bà, Hải Phòng.
Bộ trưởng Bộ Y tế khen ngợi các bác sỹ
Bác sỹ nợ viện phí để cứu bệnh nhân nghèo
Bác sỹ có quyền và có… tiền
Vị bác sỹ hỗ trợ 130 bệnh nhân chấm dứt sự sống
Những kỷ niệm về các anh lại hiện hữu trong chúng tôi với tất cả tự hào. Trong số họ có người chúng tôi đã gặp nhiều lần, có người chỉ thoáng qua. Song, được nghe, được hiểu những câu chuyện, những tâm sự của các anh, chị về chuyện chữa bệnh ở đảo, tôi mới cảm nhận, thấu hiểu và tự hào về những người thầy thuốc giữa muôn trùng sóng gió. Họ luôn biết vươn lên vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện khám chữa bệnh để làm tròn trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân.
Những lần lựa chọn sinh tử
Đó là câu chuyện về bác sỹ (BS) trẻ Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Bạch Long Vỹ - nơi nằm liền kề đường phân vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc, đây cũng là đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nguyễn Đức Quân sinh ra và lớn lên trên đất cảng Hải Phòng, tốt nghiệp Trường Y tế Hải Phòng, Quân đã tình nguyện ra đảo rồi từ đó chẳng muốn quay về. Chàng trai 33 tuổi không nhớ là đã bao nhiêu mùa xuân anh không về đoàn tụ cùng gia đình. Bởi theo anh, một điều vô cùng đơn giản: “Tuổi trẻ được cống hiến cho đảo, cho ngành y và cho nhân dân đối với chúng tôi là những năm tháng hết sức ý nghĩa. Dù khó khăn lớn là môi trường khoa học và môi trường nghiệp vụ trên đảo không sôi động được như đất liền, nhưng chúng tôi vẫn liên tục trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, học hỏi, trau dồi thêm nhiều kiến thức”. Trong ký ức của mình, BS. Quân không thể nào quên những quyết định khó khăn nhất khi anh và đồng nghiệp gặp ca bệnh nặng. Đó là câu chuyện cách đây hơn hai tháng. Trong một đêm biển động, trời giông bão, anh và đồng nghiệp tiếp nhận một phụ nữ mang thai trong tình trạng đau bụng dữ dội, mất nhiều máu. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được xác định mang thai ngoài tử cung bị vỡ. Cách duy nhất lúc này để cứu bệnh nhân là quyết định mổ cấp cứu cầm máu. Tuy nhiên, với trang thiết bị cơ sở vật chất ở trên đảo thì cũng rất khó để có thể đảm bảo tính mạng của bệnh nhân và thường những ca bệnh như thế này sẽ được chuyển vào đất liền. Thế nhưng, đúng lúc đó tại đảo Bạch Long Vỹ đang có gió mùa mạnh cấp 6, 7, giật cấp 8, 9, sóng to nên việc chuyển bệnh nhân vào đất liền là không thể. Trước giờ phút sinh tử, anh và các đồng nghiệp đã hội chẩn cùng các bác sỹ Bệnh xá Trung đoàn 952, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên và quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, ổ bụng bệnh nhân rất nhiều máu, kíp mổ phải hút máu liên tục, tìm đường vỡ trong ổ bụng, sau đó cố định, khâu cầm máu đoạn vỡ, làm sạch ổ bụng. Ca mổ thành công, tính mạng người bệnh được an toàn. Đây cũng chính là một trong những ca mổ khó nhất từ trước đến nay được bệnh viện huyện đảo thực hiện thành công. Bởi vì, mang thai ngoài tử cung được coi là một trong những ca khó nhất của sản khoa, nhưng bệnh viện đã thực hiện rất thành công. Mỗi ca bệnh thành công là mỗi niềm vui được nhân lên và điều đó cũng khiến anh thêm tự tin, vững vàng hơn công việc mình đang làm.
Cũng giống như BS. Quân, BS. Nguyễn Quốc Hoạt, Trạm trưởng Bệnh xá Quân Dân y Cồn Cỏ, huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị cũng đã gắn bó với đảo 8 năm. Năm 2002, anh được phân công ra đảo công tác rồi sau đó được cử đi học lớp bác sỹ tại Trường đại học Y Thái Bình, sau khi tốt nghiệp, anh lại trở về đảo công tác. BS. Hoạt cho biết, đặc thù của BS tại đảo là ngoại khoa, sản khoa đóng vai trò chủ lực, nhưng các chuyên khoa như nội nhi - lây, BS cũng phải nắm vững chuyên môn và kiêm nhiệm cả, bởi lúc nguy cấp thì không thể dễ dàng chuyển bệnh nhân vào đất liền. Các thầy thuốc ở đây phải có trình độ chuyên môn vững vàng để tự tin và sẵn sàng cứu chữa các ca khó, nhất là những rủi ro, tai nạn của các ngư dân đi khai thác hải sản trong khu vực. Gắn bó với đảo từ những ngày đầu mới thành lập bệnh xá, anh cũng đã chứng kiến rất nhiều những thay đổi trong công tác khám chữa bệnh ở hòn đảo thép này. Đặc biệt là thời gian qua, nhờ “Đề án Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020” nên điều kiện chữa trị ngày một cải thiện và nâng cao. Vì vậy, các BS ngoài đảo xử lý ca bệnh tự tin hơn và sẵn sàng liên hệ với đất liền để xin hội chẩn chuyên môn nếu cần thiết.
Và chuyện “hiến máu” cứu bệnh nhân
Còn ở hòn đảo lớn nhất cả nước là Phú Quốc, nhiều năm trở lại đây người ta thường hay nói đến những BS của bệnh viện đa khoa (BVĐK) Phú Quốc, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang với những từ thân thương như hòn đảo hiến máu cứu người. Theo BS. Nguyễn Đức Phát - Giám đốc BVĐK Phú Quốc, hàng năm, BVĐK Phú Quốc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho hơn 100.000 người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chưa kể từ 400.000 - 600.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài việc các bác sĩ không ngừng trau dồi phát triển nâng cao tay nghề về chuyên môn thì một việc không thể thiếu giữa vùng biển khơi này là cung cấp máu cho điều trị, do đó việc duy trì danh sách cán bộ nhân viên y tế tham gia lực lượng hiến máu dự bị là giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo cho người dân được phục vụ tốt hơn. Hộ lý Hằng đã 2 lần hiến máu khẩn cấp cho bệnh nhân. Với chị, “hiến máu như một lẽ thường tình, bệnh nhân cần máu mà mình biết thì đến hiến máu thôi”; vì thế giờ chị cũng chẳng nhớ chính xác mình đã hiến máu đột xuất cho bệnh nhân mấy lần, vào thời điểm nào. Và trong những lần ấy, việc có mặt tại nơi mình công tác lúc nửa đêm, 1 - 2h sáng; hay vừa về nhà sau ca trực, lại quay trở lại bệnh viện để hiến máu cũng là việc mà chị không nề hà.
Câu chuyện hiến máu, thiếu máu và để có đơn vị máu cứu bệnh nhân cũng không còn xa lạ gì với BS. Phạm Văn Hoàng - Giám đốc BVĐK Cát Bà, Hải Phòng, người đã cống hiến và gắn bó 27 năm với đảo. 27 năm là BS tại đảo cũng là chừng ấy thời gian anh chứng kiến mọi sự đổi thay của công tác khám chữa bệnh, điều trị nơi đây. Và điều đau đáu nhất với anh là vấn đề về máu cho điều trị. BS. Hoàng vẫn còn nguyên ký ức về thời kỳ nhọc nhằn để mang được một đơn vị máu về đảo cho bệnh nhân, anh trải lòng: “Có những lần chúng tôi vào đất liền nhận máu, thời tiết khó khăn, đi trong đêm tối, tàu bị lạc đường rất nguy hiểm, thậm chí tưởng sắp đâm vào đá, đi từ 17h mà tận 5h sáng hôm sau mới vào đến thành phố. Còn người bệnh thì vẫn thấp thỏm... chờ máu”. Chẳng thế mà danh sách lực lượng hiến máu dự bị 66 thành viên thì có đến 26 người là cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Cát Bà. Khó khăn là vậy đấy nhưng họ vẫn đoàn kết để vượt qua bởi một tâm niệm hết sức đơn giản: “Trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, người bệnh không chỉ trông mong vào tài năng của người bác sĩ, với họ, bác sĩ trở thành “sợi dây duy nhất” để níu giữ sự sống của họ...” - BS. Hoàng chia sẻ.
Ở những đảo như Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ hay Phú Quốc và hàng vạn đảo lớn nhỏ trên vùng biển Việt Nam, bệnh viện vừa là tuyến đầu lại vừa là tuyến cuối trong công tác khám chữa bệnh và cấp cứu. Chỉ có thể là tình yêu vô bờ bến với biển đảo quê hương và một trái tim tâm huyết với nghề, những người như BS. Quân, BS. Hoạt, BS. Hoàng hay chị hộ lý Hằng và còn nhiều y, bác sỹ khác mà bài viết này chưa thể đề cập hết... mới vượt qua khó khăn về mọi mặt để tiếp tục bám biển, bám đảo, yêu mến và cống hiến say mê cho sức khỏe của đồng bào, cao hơn là cho sự nghiệp mà mình đã lựa chọn ở nơi “đầu sóng ngọn gió”!
Bình luận của bạn