Đề xuất bổ sung "quyền được chết"

Đề xuất bổ sung "quyền được chết"

Một lá phiếu cho "Quyền được chết"

“Cái chết êm ái” nên hay không?

Bỉ thông qua dự luật "cái chết êm ái" cho trẻ em

Máu nhân tạo từ... thực vật!

Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) tới đây cơ quan này đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự. Những người bệnh không có khả năng chữa trị, phải chịu đau đớn vì bệnh tật hành hạ… có quyền quyết định về sự sống - chết của mình.

TS. Nguyễn Huy Quang cho biết, trước đó trong bộ luật dân sự không đề cập đến quyền được chết. Tuy nhiên, đặc thù trong lĩnh vực y tế, với những bệnh trọng không thể cứu chữa, sống thực vật, những người bệnh ung thư giai đoạn cuối đau đớn đến tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần đến mức họ không thiết tha sống nữa mà trời chưa cho chết… nên Bộ Y tế sẽ đưa ra đề xuất đưa quyền được chết vào bộ luật dân sự.

"Về mặt luật pháp, chúng ta có quyền được khai sinh, khai tử nhưng trên hết là quyền được sống. Sao chúng ta lại không đặt vấn đề về quyền được chết? Như vậy có phải là hành vi giết người? Bác sỹ cho người ta chết về bản chất là giết người, theo pháp luật sẽ bị xử lý hình sự, nhưng nếu pháp luật cho phép có chủ đích thì vẫn có thể được", TS. Quang nói.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Pháp chế cũng thừa nhận rào cản về mặt tâm lý, đạo đức. Trong quan niệm của nhiều người Việt dù bố mẹ có nằm sống thực vật vài năm trời người ta vẫn còn hy vọng, còn nước còn tát, không nỡ rút máy thở ra dù biết sự giải thoát cho người ấy cũng chính là giải thoát cho người thân trong gia đình. Đạo đức xã hội không bao giờ cho phép.

Hiện tại, Việt Nam chưa cho phép "cái chết êm ái"

Bên cạnh đó, bản thân bác sỹ cũng không dám. Trong lời thề Hypocrate, lời khuyên y đức của Hải Thượng Lãn Ông thì nguyên tắc là còn nước còn tát, còn sống là còn cứu chữa cho đến hơi thở cuối cùng, khi bệnh nhân không còn các chỉ số sinh tồn nữa. Lúc đó người ta tự chết, tự trở về thế giới bên kia, trách nhiệm của người thầy thuốc khi đó mới kết thúc.

Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về việc cho phép nhân viên y tế thực hiện cái chết nhân đạo thì liệu có vi phạm y đức hay không. Với những bác sỹ thấy được sự đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần thì muốn giải thoát cho người bệnh còn hơn là để họ sống thực vật, sống vật vã đến lúc cuối cùng. Những bệnh nhân này dù sống nhưng không cảm nhận được cái đẹp của cuộc sống. Để đối phó với những cơn đau, giảm sự vật vã, họ cần được tiêm morphine.

"Nếu pháp luật cho phép, bác sỹ có thể giúp người bệnh ra đi một cách thanh thản bằng cách kết hợp nhiều biện pháp như: Cho thuốc mê, nghe một bản nhạc, xem một bộ phim... Đấy cũng được coi là nhân đạo, còn hơn để người bệnh sống thế kia", tiến sỹ Quang nói.

Vì thế, ông Quang đề xuất bổ sung cái chết nhân đạo vào dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi. Năm 2005 đề xuất này từng được đưa ra, nhưng khi đó các đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đến thời điểm thích hợp và sẽ xem xét sau.

Hiện chỉ có rất ít quốc gia cho phép thực hiện cái chết nhân đạo, gồm Hà Lan, 4 bang của Mỹ, Bỉ, vài bang của Thụy Sỹ... Ở những nơi này, khi bệnh nhân tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đủ 18 tuổi thì có quyền lựa chọn cái chết nhân đạo bằng chúc thư hoặc yêu cầu bác sỹ chứng nhận. Với trường hợp sống thực vật, quyền lựa chọn thuộc về gia đình.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin