Theo dấu cây xanh vừa bị đốn hạ ở Thủ đô

Bãi tập kết thứ nhất, được cho là những cây bị sâu mọt phải chặt bỏ. Ảnh: Minh Đức

Dừng đề án thay thế 6.700 cây xanh

Yêu cầu rà soát việc chặt bỏ, thay thế 6.700 cây xanh tại Hà Nội

"Trảm" nhiều cán bộ liên quan tới vụ chặt cây xanh

Hà Nội chặt cây rồi mới hỏi ý kiến dân?

Vòng vo, lẩn tránh
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn cây xanh trên nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Trần Nhân Tông, Lê Duẩn… đã nhanh chóng bị triệt hạ. Ngày 20/3, UBND thành phố Hà Nội họp báo với sự tham gia của khoảng 300 phóng viên báo, đài, thế nhưng cả 21 câu hỏi tại buổi họp báo đều chưa được giải đáp, khiến dư luận càng tỏ ra nghi vấn có chuyện bất bình thường trong chiến dịch này.
PV đặt 2 câu hỏi với ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đồng thời là người chủ trì cuộc họp báo: Những cây xanh được đưa về Hà Nội trồng là cây gì, mua ở đâu, bao nhiêu tiền một cây? Những cây xanh đã chặt hạ tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội là những cây gì, sau khi chặt hạ được tập kết ở đâu, bán cho ai, bán bao nhiêu tiền? Kết thúc buổi họp, ông Hùng chỉ đạo cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời, cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí.

PV tiếp cận bãi tập kết thứ nhất, được cho là những cây bị sâu mọt phải chặt bỏ. Ảnh: PV.

Chiều cùng ngày, PV liên lạc với ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, song ông Hưng nói không biết nguồn gốc, tên tuổi cũng như người đã mang cây xanh về trồng thay thế. Điều ngạc nhiên hơn nữa, khi PV chất vấn về việc số cây đã được chặt hạ được tập kết ở đâu, bán cho ai, bán bao nhiêu tiền, ông Hưng ấp úng, nói do các đơn vị mua đấu giá nên không biết họ đưa về đâu.

Đến ngày 21/3, PV tiếp tục điện thoại cho ông Nguyễn Xuân Hưng đề nghị cung cấp thông tin, địa điểm tập kết số lượng cây đã bị triệt hạ, ông Hưng cho rằng, khu vực tập kết là bãi đất biệt lập nằm ở nội đô không thể tiếp cận được vì đã có lệnh bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Hưng nói PV có tìm được người ta cũng không cho vào, khi chưa được lệnh từ trên.

PV tiếp tục liên hệ với ông Võ Nguyên Phong - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội để tìm tên, nguồn gốc số cây trên. Tuy nhiên, ông Phong nói mới được bàn giao công việc chưa đầy 1 tháng nên không nắm được việc chặt cây, mua cây giống ở đâu, bao nhiêu tiền.

Chiếc xe tải chở gỗ vào làng Chuông. Ảnh: Minh Đức.

“Đột nhập” các kho cây xanh vừa bị "xẻ thịt"

PV phải chuyển hướng truy tìm kho gỗ, hỏi những người dân bán trà đá tại các khu trục đường dẫn vào nội đô như Trần Phú (Hà Đông), Giải Phóng (Hoàng Mai), Đại lộ Thăng Long (Nam Từ Liêm), Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm). Tuy nhiên, tất cả các thông tin người dân cung cấp đều xác nhận các xe tải chở gỗ đều hướng ra ngoại thành.

Ngoài ra, PV lần theo những hạt mạt cưa, lá rơi trên đường, kết quả đã xác định được một số điểm tập kết. Cụ thể, khoảng 17h ngày 20/3, PV phát hiện chiếc xe tải 31F - 9023 chạy hướng Quốc lộ 21. Sau một đoạn đường dài đeo bám, PV thấy chiếc xe này rẽ vào làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Chủ một xưởng gỗ tại làng Chuông cho biết, mấy ngày qua có rất nhiều xe chở gỗ về đây, chủ yếu là xà cừ. Theo chủ xưởng gỗ này, xà cừ thường được mua với giá khoảng 6 đến 7 triệu đồng/m3, tùy chất lượng từng cây. Trước đó, khoảng 20h ngày 19/3, PV phát hiện một xe tải chở đầy gỗ tươi lưu thông hướng Giải Phóng - Thường Tín.

Tiếp tục truy tìm, các PV phát hiện 1 bãi tập kết gốc, thân cây vừa chặt hạ tại khu vực Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm. Bãi tập kết có diện tích chừng 10ha, được quây kín tôn, cổng khóa chặt và luôn có “lính gác” túc trực chẳng khác gì doanh trại quân đội. Để “đột nhập” được vào khu đất, chúng tôi đã phải mua một chiếc diều và lấy lý do diều bị rơi nhằm phòng ngừa khi bị phát hiện.

Chúng tôi phải đánh đu từ một cành cây chìa ra đường mới vào được khu tập kết gỗ. Bước vào trong khu đất, chúng tôi không khỏi sững sờ, trước cảnh cả nghìn gốc cây cổ thụ đang tứa nhựa như những vết thương đang rỉ máu. Con đường dài chừng 500m bị cày nát bởi vết của lốp xe quá tải nằm lọt thỏm giữa các gốc cây cổ thụ được xếp cao chất ngất. Theo cảm quan của PV, bãi tập kết này gốc nhiều hơn thân cây và số lượng gỗ quá ít so với số cây đã được triệt hạ.

Chúng tôi tiếp tục tìm được bãi tập kết thứ 2, cách bãi thứ nhất khoảng chừng 300m. Bãi này có diện tích chừng 500m2, chủ yếu là những cây gỗ mục và nhiều chủng loại gỗ khác nhau và đã được tập kết ở đây với thời gian khá lâu, nhiều thân cây đã mọc nấm, rêu, dương xỉ… Một bảo vệ điểm tập kết tiết lộ, đây là kho chứa gỗ chặt từ đường Nguyễn Trãi. Khi PV hỏi bãi tập kết 10ha, anh này lắc đầu, nói gỗ mới đưa về nhưng “rắc rối lắm”.

Theo quan sát của PV, cả dãy xà cừ cổ thụ có chu vi tới 2 người ôm chạy dài từ Ngã Tư Sở (Đống Đa) tới cầu Trắng (Hà Đông) dài gần 3km, song số gỗ hiện còn ở kho này chỉ là vài chục gốc xà cừ…

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật TNHH Trường Lộc, cho biết: Cây cần chặt hạ được quy định tại Điều 14 của Nghị quyết số 64/2010/NĐ – CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, là cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. Như vậy, việc chặt hạ, thay thế cây xanh phải được khảo sát, xác định cần chặt hạ, không phải là chặt hạ đồng loạt, chặt hạ cả tuyến phố như đã thực hiện. Do đó, việc cho chặt hạ cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội là đã vi phạm Nghị định 64/2010/NĐ – CP và Quyết định 6816/QĐ – UBND.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin