Mẹ uống nhiều cà phê, con dễ bị máu trắng?

Các nhà khoa học đã tìm hiểu hơn 20 công trình nghiên cứu và phát hiện các em bé có mẹ uống cà phê khi mang thai thì nguy cơ bị bệnh bạch cầu tăng 20%. Nguy cơ này tăng lên 60% nếu bà bầu uống nhiều hơn 2 cốc mỗi ngày và 72% khi uống từ 4 cốc trở lên.


Phụ nữ uống nhiều cà phê khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu của trẻ

Nhóm nghiên cứu kêu gọi các quốc gia khuyến cáo về tác hại của cà phê đối với sự phát triển của thai nhi. Họ cho rằng caffein có thể làm thay đổi ADN trong các tế bào của thai nhi, khiến chúng nhạy cảm hơn và dễ phát triển thành khối u.

Tuy vậy, dù đã tìm hiểu cả thập kỷ, giới nghiên cứu vẫn không thể chỉ ra được nguyên nhân gây ra điều này. Một số nguyên nhân khác như việc sống gần đường dây điện hoặc nhà máy điện hạt nhân đều đã được loại bỏ.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để khám phá ảnh hưởng ngược của việc uống cà phê tới bệnh máu trắng của trẻ em."Tôi không nghĩ các thai phụ nên từ bỏ cà phê, nhưng vì đã có cảnh báo, họ nên hạn chế lượng uống vào", Denis Henshaw, Giáo sư danh dự, Đại học Bristol, người không tham gia khảo sát nhưng là chuyên gia trong lĩnh vực này, cho biết.

Đến nay, Cơ quan sức khỏe quốc gia Anh (NSH) vẫn khuyên thai phụ chỉ nên uống tới 200mg caffein mỗi ngày, tương đương 1,5 cốc cà phê phin hoặc 2 cốc cà phê hòa tan. Khuyến cáo không có tính bắt buộc, và chị em không cần lo ngại nếu uống vượt định mức này bởi "nguy cơ là nhỏ".

Trước đó, năm 2010, cũng từng có 2 nghiên cứu cho kết quả trái ngược nhau về ảnh hưởng của việc dùng cà phê tới thai phụ. Do vậy, tranh cãi về việc bà bầu có nên sử dụng cà phê và ở mức nào vẫn chưa có hồi kết.


CTV9
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ