Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản hữu hiệu nhất
Hà Nội thực hiện tiêm chủng thường xuyên vaccine viêm não Nhật Bản
Lịch tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ như thế nào?
Mất trí nhớ sau khi bị muỗi đốt
Cảnh giác với viêm não Nhật Bản
Gia tăng số ca mắc bệnh
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 26 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản tại 12 tỉnh/thành phố, không có trường hợp tử vong. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 15 tuổi (chiếm 96,2%), trong đó lứa tuổi 5 – 10 chiếm tỷ lệ mắc cao (46,2%), 10 – 15 tuổi chiếm 34,6%, 1 – 5 tuổi chiếm 15,4%, trên 15 tuổi chiếm 13,8%.
Trong những ngày nắng nóng vừa qua, khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị cho một số trẻ bị viêm não Nhật Bản. Số trẻ nhập viện thường trong tình trạng nặng hoặc rất nặng vì cha mẹ thường nhầm lẫn các biểu hiện của viêm não Nhật Bản với cảm cúm thông thường nên thường tự điều trị cho trẻ bằng thuốc hạ sốt và kháng sinh.
Bé Trần Minh K. 9 tháng tuổi (Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng sốt cao dẫn đến hôn mê sâu, mất hết các phản xạ, giãn đồng tử hai bên mắt, đáp ứng kém với ánh sáng, suy hô hấp, thở nhanh và sâu. Các bác sỹ kết luận bé Minh K. bị viêm não Nhật Bản do virus gây và phải ở lại bệnh viện điều trị.
Nhiều bậc phụ huynh thường nhầm lẫn viêm não Nhật Bản với cảm sốt thông thường
Theo Ths. BS Nguyễn Văn Lâm - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viên Nhi Trung ương: “Cùng triệu chứng như bé K, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương còn vài trường hợp khác cũng bị viêm não Nhật Bản nhưng bệnh chưa rõ ràng và nặng như cháu K".
Biến chứng nặng nề
Bệnh viêm não Nhật Bản thường gây tổn thương trực tiếp tại não và lan tỏa nhiều nơi, nếu được chữa trị vẫn có thể để lại di chứng thần kinh đặc biệt nặng nề. Có đến 70 - 80% trẻ bị viêm não Nhật Bản mang những di chứng thần kinh - tâm thần như bại não, đần độn, động kinh, liệt, phát triển chậm về thể chất, không nói, không nghe, không hiểu được. Các di chứng thần kinh thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cho đến nay, viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần, chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm...
Bên cạnh việc phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời thì vấn đề dinh dưỡng, chăm sóc cũng rất quan trọng để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, phòng tránh bội nhiễm và giảm nguy cơ tử vong.
Nguy hiểm nhưng phòng ngừa được
Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên tiêm phòng vaccine là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất.
Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; Mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau dó, cứ 3 – 4 năm, tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Ngoài ra, để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, cần ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất dinh dưỡng. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường, chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình. Vệ sinh chuồng trại thường xuyên để muỗi không có nơi cư trú.
Viêm não Nhật Bản có triệu chứng khá giống với các bệnh khác và bệnh chỉ có thể được phát hiện nhờ các xét nghiệm và sự theo dõi của bác sỹ. Do đó, khi trẻ có các biểu hiện sốt cao, nhức đầu, nôn ói hoặc co giật… thì phụ huynh nên đưa ngay trẻ tới bệnh viện.
Bình luận của bạn