Thành công nghiên cứu điều trị mắt tổn thương

Nhóm các nhà khoa học nữ đã thành công trong nghiên cứu điều trị mắt tổn thương (Ảnh minh họa)

Ngô ngọt: Sáng mắt, đẹp da

Mắt có hồi phục hoàn toàn sau khi rách giác mạc?

Sử dụng tế bào gốc phục hồi thị lực

Bỏng giác mạc vì mủ cây xương rồng

Dùng lá lốt trị đau mắt đỏ có thể làm bỏng giác mạc

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bình - Giảng viên môn Mô - Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội, tổn thương giác mạc là một bệnh lý thường gặp trong nhãn khoa. Nguyên nhân gây tổn thương giác mạc rất khác nhau nhưng đều làm mất độ trong của giác mạc và gây giảm thị lực ở nhiều mức độ khác nhau. 

Để điều trị hội chứng suy giảm tế bào gốc của biểu mô giác mạc, các bác sỹ nhãn khoa đã sử dụng các phương pháp khác nhau như ghép kết mạc rìa tự thân, ghép màng ối... Tuy kết quả tương đối tốt nhưng vẫn gặp những hạn chế nhất định. Do đó, nhóm đã tập trung nghiên cứu theo hướng sử dụng tế bào gốc trên bề mặt nhãn cầu từ năm 2004 với mong muốn đưa một phương pháp điều trị tiên tiến của thế giới, có thể khắc phục được những nhược điểm của các phương pháp trước áp dụng vào Việt Nam. 

Cụ thể hơn, nhóm đã nghiên cứu phương pháp điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau. Kỹ thuật này giúp cho những người bị tổn thương bề mặt nhãn cầu không có cảm giác khó chịu trong khoảng thời gian chờ đợi để được ghép giác mạc thay thế.

Sau 4 năm nghiên cứu, đến năm 2007, lần đầu tiên nhóm đã nuôi tạo thành công tấm biểu mô từ nguồn tế bào gốc vùng rìa giác mạc của thỏ. Sau khi nuôi tạo và ghép thành công tấm biểu mô nuôi cấy cho thỏ, nhóm tiến hành chữa trị cho người. Bệnh nhân được điều trị tổn thương giác mạc đầu tiên thành công theo phương pháp này vào ngày 8/1/2008. Sau ghép, bệnh nhân đã sinh hoạt và làm việc trở lại như bình thường.

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Thị Bình cho biết, thành công của cả tập thể là đã nghiên cứu được quy trình nuôi tạo tấm biểu mô hoàn toàn mới so với các nghiên cứu trên thế giới. Để có thể nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc trong phòng thí nghiệm cần có một lớp tế bào nuôi ở dưới để nuôi dưỡng các lớp tế bào bên trên. Các nhà nghiên cứu trên thế giới thường dùng tế bào phôi chuột để tạo thành các lớp tế bào nuôi dưới.

Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện được tại Việt Nam bởi giá thành nhập rất đắt. Chính vì vậy, tập thể đã nghiên cứu tìm ra phương pháp mới: Sử dụng lớp tế bào của chính bệnh nhân, tạo ra một môi trường giống như trong cơ thể mình. Nghiên cứu này đã cho ra kết quả tốt, với quy trình đơn giản, chi phí thấp, không sử dụng vật liệu có nguồn gốc động vật, khắc phục được nỗi lo nhiễm protein của vật dị loài (sử dụng tế bào phôi chuột có nguy cơ protein của phôi chuột sẽ xâm nhập, đi vào biểu mô của tấm tế bào nuôi cấy).

Trong y văn của thế giới chưa có một nghiên cứu nào sử dụng phương pháp này, vì vậy, nhóm nghiên cứu đã đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ. Đây chính là kết quả thành công của hơn 10 năm nỗ lực nghiên cứu. Phương pháp này đang được tập thể đề nghị Bộ Y tế cho phép sử dụng rộng rãi tại các khoa mắt, bệnh viện mắt để điều trị cho bệnh nhân với kinh phí điều trị khoảng 10 - 15 triệu đồng/ca.

Năm nay, tập thể các nhà khoa học nữ thuộc bộ môn mô phôi Đại học Y Hà Nội, Khoa Kết giác mạc Bệnh viện Mắt trung ương và cá nhân GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan - Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên được chọn trao giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ Kovalevskaia vào ngày 7/3, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn