Thuốc từ nhau thai người – bỏ tiền mua "rác thải"

Một bịch tử hà sa khô khoảng 50g được bán với giá 250.000 đồng (Ảnh: Tuổi trẻ)

Sinh non vì vi khuẩn trong nhau thai?

Kinh dị chữa hen bằng nhau thai mèo, thạch sùng...

Hiểu đúng về cách chống lão hóa bằng nhau thai

Chửa trứng và biến chứng ung thư nhau thai

Nhau thai: Là bệnh phẩm, không thể là thuốc!

Bỏ tiền mua... "rác"

Dù đã chạy chữa ở nhiều nơi, anh Đ. (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn chưa có được mụn con như mong ước vì bị yếu sinh lý. Thời gian gần đây, anh được bạn bè mách dùng nhau thai ngâm rượu uống hoặc xào, nấu canh ăn có thể cải thiện chức năng sinh lý. Vì không dám ăn nhau thai tươi, anh đã nhờ mua nhau thai khô về sắc cùng với thuốc bắc để uống.

"Có bệnh thì vái tứ phương, ai mách sao làm vậy, chỉ mong trong nhà có tiếng trẻ con", anh H. tâm sự. Có lẽ vì thế, anh không ngại tốn tiền, tốn sức tìm mua nhau thai...

Không chỉ anh H. mà hiện nay rất nhiều người dân vì quá tin vào công dụng đồn thổi đã bỏ ra không ít tiền để mua “hàng cấm”.

Nhau thai người (tử hà sa) khô (Ảnh: Internet)

Theo Quy chế quản lý chất thải y tế (Bộ Y tế), nhau thai là chất thải lây nhiễm, nguy hại cho sức khoẻ, cần được tiêu hủy. Việc buôn bán hoặc cho tặng nhau thai là hành vi vi phạm pháp luật. Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng nêu rõ hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải nguy hại có thể bị phạt tiền từ 10 - 70 triệu đồng (tùy khối lượng hoặc tính chất). Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng nhau thai. Thế nhưng, việc mua bán "rác thải y tế" vẫn diễn ra khá công khai ở cửa hàng thuốc Đông y, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Công dụng thực sự của nhau thai người

Nhau thai là bộ phận nuôi sống, cung cấp chất dinh dưỡng hỗn hợp cần thiết cho thai nhi, vì vậy, nó chứa các chất bổ dưỡng như: acid amin, các acid béo, một số vitamin và chất khoáng…

Hiện nay, các chế phẩm được bào chế từ tạng liệu như: nhau thai người, gan thận súc vật… đã được thế giới khuyến cáo không sử dụng vì không có bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng cụ thể mà nguy cơ lây nhiễm bệnh lại rất lớn (như dùng cơ quan tạng phủ từ bò thì bị lây nhiễm bệnh bò điên).
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức

Cách đây khá lâu, nhau thai đã được sử dụng để bào chế một loại thuốc bổ có tên Filatov, dựa trên phương pháp của BS. Vladimir P.Filatov (người Nga). Theo phương pháp này, nhau thai sẽ tiết ra kích thích tố biostimulin

Biostimulin khi được uống hoặc tiêm vào cơ thể sẽ kích thích các phản ứng sinh học, giúp cho quá trình chuyển hóa được thuận lợi, làm tăng sức đề kháng, tăng cường chức năng sinh lý và hệ miễn dịch. Trước đây, nhiều bệnh viện phụ sản ở Việt Nam đã tận dụng, dùng nhau thai của phụ nữ mới sinh xong bào chế thành thuốc uống và thuốc tiêm Filatov.

Tuy nhiên, đến tận bây giờ, bản chất của các biostimulin vẫn chưa được chứng minh đầy đủ, việc sản xuất và sử dụng Filatov cũng “giữa đường gãy gánh” vì các giá trị tôn giáo, văn hóa, đạo đức và khoa học.

Một cửa hàng bán nhau thai khô (Ảnh: Tuổi trẻ)

Theo y học cổ truyền, nhau thai có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh suy nhược, gầy yếu, thiếu máu, hiếm muộn, thiếu sữa sau khi sinh... Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh các công dụng trên, ngoại trừ chứng suy nhược thì nhau thai có thể giúp bổ dưỡng tương tự thịt gà, thịt bò...

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y Dược TP.HCM, thông tin “nhau thai có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường hoạt động tình dục” chỉ là tin đồn, việc tìm mua nhau thai để cải thiện tình trạng này là hoàn toàn sai lầm.

Tiềm ẩn nhiều nguy hại

Theo PGS. Đức, tử hà sa bán trên thị trường không có nguồn gốc rõ ràng ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Nhau thai nằm trong một tổ chức sống nên có thể bị nhiễm siêu vi, vi khuẩn, ký sinh trùng… nếu không được chế biến trong môi trường vô trùng. Vì vậy, người dùng có thể bị nhiễm các bệnh nguy hiểm như bệnh đường tiêu hóa, viêm gan B, viêm gan C, thậm chí là virus HIV…

Nhau thai người được chào bán tại quận 5, TP.HCM (Ảnh: Zing)

Chị P. (Hưng Yên) phải suốt đời sống chung với viêm gan B chỉ vì ăn nhau thai. Lấy chồng gần 2 năm chị mới "có tin vui" nhưng khi thai được 22 tuần thì không may chị bị sẩy thai. Sau lần đó, tinh thần chị sa sút trầm trọng vì mất con, sức khỏe của chị yếu đi trông thấy. Xin nghỉ việc 3 tháng để ở nhà nghỉ ngơi, bồi bổ nhưng tới gần 1 năm sau mà chị vẫn không khỏe lên là mấy. Một người bạn hay tin chị ốm yếu, suy nhược đã tư vấn chị ăn nhau thai tươi lấy lại sức. Tuy nhiên, trong một lần đi khám sức khỏe, chị được chẩn đoán nhiễm virus viêm gan B, men gan cao gấp mầy lần so với bình thường và cần điều trị hạ men gan nhanh chóng...

Theo một số thầy thuốc Đông y, nhiều khi bệnh nhân có nhu cầu sử dụng tử hà sa, nhưng họ không dám kê đơn vì bệnh viêm gan siêu vi và HIV ngày càng tăng, mà chế phẩm bán trôi nổi hiện nay lại không rõ nguồn gốc, không đảm bảo cho sức khỏe người bệnh.

Người tiêu dùng cần nhận thức rằng, dùng nhau thai làm thuốc như điều kiện hiện nay là không an toàn, thậm chí gây hại cho sức khỏe. Thực chất nhau thai không có công dụng như lời đồn và hiện nay đã có nhiều loại thuốc thay thế cho tác dụng hiệu quả và an toàn hơn nhiều.

Tuệ Nhi H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin