Lạm dụng kháng sinh - Coi chừng rước bệnh vào thân

Thực trạng lạm dụng kháng sinh quá mức này không chỉ khiến người bệnh thiệt hại kinh tế, mà còn đẩy nhiều bệnh nhân tới tình trạng vô phương cứu chữa vì không đáp ứng kháng sinh đặc hiệu.

Đừng xem là “thần dược”

Tối muộn, dãy hiệu thuốc trước cổng Bệnh viện Bạch Mai vẫn còn khá đông khách hàng. Một người phụ nữ vội vã bước vào hiệu thuốc M.T., nói với nhân viên bán hàng: “Cho chị 2 vỉ kháng sinh, loại nào tốt đó. Thằng bé nhà chị lại ốm rồi”. Cũng chẳng cần hỏi người bệnh có đơn thuốc của bác sĩ hay không và bệnh gì, nhân viên bán hàng nhanh chóng lấy một vỉ panadol, một lọ thuốc bổ và hai vỉ kháng sinh cefixime đưa cho khách hàng. Người phụ nữ vừa thanh toán tiền vừa “truyền bá kinh nghiệm” với mấy khách hàng đang mua thuốc: “Trẻ nhỏ bây giờ có hắt hơi, sổ mũi thì cứ làm ít kháng sinh và thuốc bổ là khỏi, chứ đi viện thời gian đâu mà xếp hàng chờ đợi”. Cùng lúc đó, một bác lớn tuổi cầm đơn thuốc được bác sĩ kê kín mít một trang giấy, ngại ngùng nói với nhân viên hiệu thuốc: “Cô xem, tôi bị viêm phế quản do lạnh mà bác sĩ cho uống tới 3 loại kháng sinh (!?)”.


Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong vô vàn trường hợp lạm dụng thuốc, đặc biệt đối với kháng sinh. Một số chuyên gia y tế cho biết, về nguyên tắc chỉ dùng kháng sinh khi bị bội nhiễm vi khuẩn. Thế nhưng hiện nay ở nước ta, kháng sinh lại đang được dùng tràn lan trong chữa bệnh, bất kể loại bệnh gì. Rất nhiều người xem kháng sinh như là một loại “thần dược”, không chỉ trong chữa trị các bệnh nhiễm khuẩn mà cứ mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, cảm cúm… là lại ra ngay hiệu thuốc “rước” vài vỉ ampicilin hay amoxicilin về uống mà không hề gặp bất cứ trở ngại nào từ phía nhà thuốc vì không có đơn thuốc của bác sĩ. Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, trẻ nhỏ là một trong những đối tượng bị lạm dụng kháng sinh khá nhiều. Khảo sát của bệnh viện cho thấy, có tới 44% số cha mẹ bệnh nhi tự mua kháng sinh điều trị cho con trước khi đưa trẻ tới bệnh viện khám.

Hậu quả khôn lường

Khảo sát của Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc lẫn người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Còn theo báo cáo về cảnh giác dược năm 2013 của Đại học Dược Hà Nội, Việt Nam có số lượng người bệnh sử dụng kháng sinh cao gấp 5 lần số liệu của các nước châu Âu. Đặc biệt, tình trạng lạm dụng kháng sinh không hợp lý đã đến mức báo động. Phần lớn người dân tự ý mua kháng sinh, tự điều trị không cần chẩn đoán, không cần kê đơn. Đáng chú ý, tỷ lệ này ở thành thị là 88%, trong khi ở nông thôn là 91%.

Tình trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan trong chữa bệnh không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nguy hiểm hơn là dẫn đến những tổn hại về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đánh giá: “Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện, không đủ liều, không đủ thời gian khá phổ biến. Tất cả những nguyên nhân này đang làm gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng lại hầu hết các kháng sinh thông thường, kể cả một số loại kháng sinh mới đưa vào sử dụng khiến việc chữa trị bệnh ngày càng khó khăn, mất nhiều thời gian và tốn kém”. TS Trần Minh Điển lưu ý, nếu các bậc phụ huynh sử dụng kháng sinh không đúng sẽ dẫn tới rất nhiều nguy cơ cho trẻ. Trong đó có những loại thuốc kháng sinh có thể gây ra hội chứng xanh tái ở trẻ sơ sinh, gây suy tủy hoặc có nhóm thuốc kháng sinh khi sử dụng tiêm có thể gây nguy cơ điếc.

Lý giải về tình trạng lạm dụng kháng sinh, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, có nguyên nhân cả phía người bệnh lẫn thầy thuốc và cơ quan y tế. Trong đó nổi lên là các quy trình chuyên môn về khám chữa bệnh chưa đầy đủ, nhận thức của cộng đồng, của cán bộ y tế về kháng thuốc và kháng kháng sinh còn hạn chế, việc phòng và kiểm soát bệnh nhiễm khuẩn không hiệu quả, hệ thống giám sát về thuốc chưa được thiết lập. Do đó, để tăng cường nâng cao nhận thức sử dụng thuốc hợp lý, các chuyên gia khuyến cáo, các bác sĩ lâm sàng phải là người tiên phong, tránh lạm dụng kê đơn thuốc, đồng thời cần khai thác kỹ hơn về tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân, cần ghi chép lại đơn thuốc xuất viện trong các hồ sơ bệnh án. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần có những biện pháp giám sát sử dụng kháng sinh trong cộng đồng và các cơ sở y tế. Ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống kháng thuốc, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc hợp lý, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng dùng kháng sinh tùy tiện.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin