Lần đầu tiên ghép tế bào gốc chữa tan máu bẩm sinh

Ê kíp đang lấy mẫu tế bào gốc máu dây rốn để chuẩn bị ghép cho bệnh nhân

Ứng dụng tế bào gốc trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Quốc gia đầu tiên truyền máu nhân tạo từ tế bào gốc cho người

"Sửa chữa" cơ tim bằng tế bào gốc

Ghép tế bào gốc trị ung thư vú được trao giải sáng tạo

Ngày 13/8, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, đây là lần đầu tiên Viện thực hiện ca ghép tế bào gốc cho một bệnh nhân nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia).

Cháu Trần Gia Hưng được phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh từ bé. Bệnh nhân được điều trị và truyền máu nhiều lần tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Sức khỏe bé ngày càng yếu đi nên các bác sỹ quyết định thực hiện ca ghép tế bào gốc máu dây rốn cho bé.

Mẫu tế bào gốc máu dây rốn ghép cho bệnh nhân được lấy từ máu cuống rốn của em gái bệnh nhân sinh cách đây 2 tháng.

Với kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, trong quá trình mang thai, các bác sỹ đã chọc ối để xét nghiệm xem thai nhi có mắc bệnh tan máu bẩm sinh không. Thai nhi có sự hòa hợp với bệnh nhân không.

Các bác sỹ kiểm tra lại ca ghép tế bào gốc máu dây rốn cho bệnh nhân

Kết quả cuối cùng cho thấy, thai nhi không mắc bệnh tan máu bẩm sinh và hòa hợp hoàn toàn với bệnh nhân. Chính vì vậy, sau khi sinh, gia đình đã quyết định dùng mẫu máu cuống rốn của em gái để ghép cho bệnh nhân.

TS. Trần Ngọc Quế - Phó giám đốc Trung tâm Tế bào gốc của Viện cho biết, nguồn tế bào gốc máu dây rốn của người cho mà cùng huyết thống với người nhận khi ghép sẽ cho kết quả tốt hơn rất nhiều so với các nguồn tế bào gốc khác.

ThS. BS. Nguyễn Bá Khanh, Trung tâm Tế bào gốc của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, nếu bệnh nhân không được chỉ định ghép tế bào gốc thì tiên lượng sẽ rất xấu, đặc biệt là phải truyền máu suốt đời. Bên cạnh đó bệnh nhân sẽ gặp một số biến chứng như quá tải sắt (vì truyền máu nhiều lần), nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và suy các cơ quan chức năng như gan, lách, thận...

Bác sỹ kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân sau ghép

Lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, ca ghép được thực hiện thuận lợi. Bệnh nhân sau ghép sức khỏe ổn định và đang được theo dõi nghiêm ngặt trong phòng chăm sóc đặc biệt.

“Đây là sự kiện vô cùng đặc biệt, là tin vui đối với bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh đồng thời mở ra cơ hội mới trong điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Việt Nam (một đất nước có trên 10 triệu người đang mang gene bệnh quái ác này”, lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia sẻ.

Bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh nguy hiểm biểu hiện ở 3 mức độ: Nặng, trung bình và nhẹ.

Ở mức độ nặng: Người bệnh bị thiếu máu nặng, xanh xao, da và vùng mắt vàng, chậm phát triển thể chất, sốt tiêu chảy và các rối loạn tiêu hóa khác. Nếu được truyền máu đầy đủ, trẻ có thể phát triển bình thường đến khoảng 10 tuổi. Sau 20 tuổi, trẻ thường có biểu hiện của biến chứng nặng như biến dạng xương, hộp sọ to, bướu tránh, bướu đỉnh, hai gò má cao, mũi tẹt, lách to, gan to, sỏi mật, dậy thì sớm..

Ở mức độ trung bình: Biểu hiện thiếu máu xuất hiện muộn hơn, khoảng 4 - 6 tuổi trẻ mới cần truyền máu. Tuy nhiên, nếu không điều trị đầy đủ và kịp thời, người bệnh sẽ gặp phải những biến chứng như lách to, gan, sỏi mật, sạm da… Đến độ tuổi trung niên sẽ có biểu hiện đái tháo đường, suy tim, xơ gan.

Ở mức độ nhẹ: Người mang gen bệnh thường không có biểu hiện gì đặc biệt ở lâm sàng. Chỉ vào những thời kỳ cơ thể có nhu cầu tăng về máu như phụ nữ khi mang thai, kinh nguyệt nhiều... lúc đó mới thấy biểu hiện mệt mỏi, da xanh, nếu làm xét nghiệm thì sẽ thấy lượng huyết sắc tố giảm.

(GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin