Lấy máu cuống rốn nghiên cứu cơ chế mắc bệnh
Dịch sởi năm nay diễn biến bất thường khi có rất nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi – thời điểm chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin mắc sởi. Thậm chí, tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai đã từng tiếp nhận trẻ sơ sinh mới 24 ngày tuổi nhiễm sởi. Những trường hợp trẻ nhỏ giai đoạn dưới 9 tháng tuổi mắc sởi bệnh rất dễ trở nặng và tử vong.
Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi liệu Bộ Y tế có nên cân nhắc việc tiêm sớm vắc xin sởi cho trẻ trước 9 tháng tuổi.
Trả lời vấn đề này, chiều ngày hôm qua (17/4), TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác nhận mùa dịch sởi năm nay tại Việt Nam ghi nhận nhiều trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi mắc và tử vong vì bệnh sởi.Tỷ lệ trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi hiện chiếm tới 10-20%. Tại Hà Nội, có 24% bệnh nhân mắc sởi là trẻ dưới 9 tháng tuổi.
TS Phu cho biết, việc mùa dịch năm nay ghi nhận nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi là bất thường hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, khả năng trẻ giai đoạn tuổi này mắc sởi vẫn có thể xảy ra. Bởi thông thường với trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ được truyền miễn dịch từ người mẹ nhưng nếu người mẹ không được tiêm vắc xin sẽ không có miễn dịch để truyền cho con. Chính vì thế khi không có miễn dịch truyền từ mẹ trẻ dưới 9 tháng tuổi vẫn có nguy cơ mắc sởi.
Việc trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi không phải chỉ có ở Việt Nam. Tại Mỹ cũng có ghi nhận những trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc sởi.
Bé 24 ngày tuổi mắc sởi đã được cứu sống tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai (Ảnh MH)
Tuy nhiên, theo ông Phu đến nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo nên tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi mà không tiêm sớm. WHO cũng chưa có nghiên cứu đánh giá về tính an toàn của vắc xin khi tiêm cho trẻ dưới 9 tháng tuổi.
“Trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi hay bất kỳ bệnh gì đều có thể trở nặng hơn trẻ lớn vì sức đề kháng yếu. Con số trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi vào viện có thể cao hơn tỷ lệ ở cộng đồng vì trẻ nặng mới vào viện. Không thể từ con số thống kê của bệnh viện ở độ tuổi này đánh giá được tỷ lệ nhiễm sởi của các cháu bé dưới 9 tháng tuổi ngoài cộng đồng để thay đổi lịch tiêm chủng của cả cộng đồng được”, TS Phu nói.
TS Phu cho biết, để tìm hiểu nguyên nhân vì sao mùa dịch năm nay lại có quá nhiều trẻ chưa đến thời điểm tiêm chủng vắc xin đã mắc sởi, Bộ Y tế đã triển khai hai đề tài nghiên cứu về dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng và đáp ứng miễn dịch sởi với trẻ sơ sinh. Cụ thể, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có trách nhiệm phối hợp với BV Phụ sản Trung ương lấy máu cuống rốn ở trẻ sơ sinh, để đánh giá tình trạng miễn dịch của trẻ nhỏ đối với bệnh sởi.
Lời khuyên phòng sởi cho bà mẹ có con dưới 9 tháng
Như vậy, Bộ Y tế đã có động thái nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân thực sự trong bất thường của dịch sởi năm nay khi nhiều trẻ dưới 9 tháng mắc sởi. Tuy nhiên, để có được câu trả lời không phải một sớm một chiều. Trong lúc, rất nhiều bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng không biết phòng sởi cho con dưới 9 tháng tuổi bằng cách nào giữa tâm điểm của dịch sởi hiện nay.
Trả lời vấn đề này, TS Trần Đắc Phu cho biết, với những đứa trẻ được sinh ra từ bà mẹ chưa mắc sởi hoặc chưa tiêm phòng sởi thì sẽ không có miễn dịch sởi tự nhiên để truyền cho con. Do đó, trong trường hợp này để phòng tránh nguy cơ mắc sởi cha mẹ cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Theo đó, TS Phu khuyên các bà mẹ cần thực hiện tốt đồng thời các biện pháp sau để phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi: Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ bú sữa mẹ tối thiểu đến 6 tháng tuổi, bổ sung vitamin A, sắt theo tư vấn của cán bộ y tế… Ngoài ra, cha mẹ cần thực hiện tốt vấn đề vệ sinh cá nhân, đặc biệt là bàn tay cho trẻ và người lớn trong nhà, vệ sinh môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ, tránh ẩm thấp để virus sởi phát triển.
“Người lớn dù đã có miễn dịch sởi nhưng vẫn có nguy cơ bị lây virus sởi từ môi trường và đem virus đó về nhà truyền cho trẻ qua tiếp xúc thông thường. Chính vì thế, trong thời điểm dịch sởi đang nóng hiện nay, cả người lớn và trẻ em cần hạn chế tối đa đến môi trường bệnh viện, không tiếp xúc với người nghi hoặc đang bị sởi. Nếu có tiếp xúc với môi trường bệnh viện hoặc với người nghi ngờ mắc sởi, bệnh nhân sởi cần phải tắm rửa sạch sẽ, nhỏ mũi, súc họng và tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 9 tháng tuổi trong vài ba giờ”, TS Phu khuyên.
Bình luận của bạn