Empty
Empty

Thực tế, khái niệm này rất đơn giản và vô cùng hấp dẫn. Blue zone – Vùng xanh là những khu vực đặc biệt trên thế giới. Nơi đây, con người luôn tràn đầy sức sống, năng động dù đã ở độ tuổi 90 hay 100 nhờ vào những hoạt động đơn giản trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng có thể làm theo.

Nghe qua thì vô cùng thuyết phục nhưng cũng đủ mơ hồ để theo đuổi một đế chế và sức khỏe và tuổi thọ. Khái niệm Blue Zone đã có tuổi đời 20 năm – kể từ khi vùng xanh đầu tiên được giới thiệu, và Blue zones đã được đăng ký nhãn hiệu. Nhờ khái niệm này mà đã có 8 cuốn sách viết về nó, một loạt các bộ phim được dựng lên nhờ các vùng đất này và một chương trình trị giá hàng triệu USD được xây dựng để giúp cho các thành phố khác đạt được "chứng nhận Blue Zone". Tất cả đều nhằm mục đích giúp mọi người đạt được mục tiêu tuổi thọ của mình, bề ngoài là bằng cách làm theo thói quen sống lành mạnh của những người sống thọ ở các vùng đã đượcchứng nhận là xanh.

Empty
Empty

Thuật ngữ “vùng xanh” lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2004 trong một bài báo được công bố trên tạp chí khoa học Experimental Gerontology, về những người sống tới trăm tuổi ở Sardinia (Ý). Trong bài báo, các nhà nghiên cứu đã sử dụng màu xanh lam để tô bóng một số phần trên bản đồ hòn đảo biểu thị nơi mọi người có tuổi thọ đặc biệt. Họ suy đoán rằng điều này có thể là do dinh dưỡng và lối sống, hoặc có thể là do “tỷ lệ cận huyết cao” ở các vùng biệt lập, có thể dẫn đến các đặc điểm di truyền trở nên phổ biến hơn trong quần thể.

Ý tưởng này được lan truyền mạnh mẽ vào năm sau đó, khi nhà báo Dan Buettner của National Geographic sử dụng cụm từ này trong một bài viết về 3 khu vực là Okinawa (Nhật Bản), Loma Linda (California, Mỹ) và Sardinia (Ý) - nơi mà nghiên cứu phát hiện ra rằng người dân sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn mức trung bình.

Trong bài viết, nhà báo Buettner cho rằng tuổi thọ và sức sống của người dân trong vùng là nhờ vào hành vi lành mạnh của họ. Ông kết luận rằng người dân ở những nơi này có được tuổi thọ như vậy nhiều khả năng là nhờ vào chế độ dinh dưỡng với nhiều trái cây và rau quả, vận động nhiều, ưu tiên gia đình và cộng đồng và không hút thuốc lá. Uống rượu điều độ, không ăn quá nhiều, kiểm soát căng thẳng, có mục đích sống, tận tụy với tôn giáo và có gene tốt là những yếu tố khác được phóng viên Buettner đề cập tới. Phóng viên Buettner cũng nói thêm rằng, những người sống thọ ở vùng xanh cho rằng, họ có sức khỏe và tuổi thọ là nhờ “môi trường sống phù hợp”.

Empty

Kể từ khi xuất bản bài viết đầu tiên của mình, ông Buettner đã hợp tác với các nhà nhân khẩu học, nhà dịch tễ học, bác sĩ lão khoa và các chuyên gia khác để mở rộng ý tưởng về vùng xanh và đã có thêm Nicoya (Costa Rica) và Ikaria (Hy Lạp) được đưa vào danh sách.

Sau đó, ông Buettner cũng đã xây dựng một doanh nghiệp riêng có tên là Blue Zones và đưa ra 9 yếu tố hành vi chính dưới cái tên “Power 9” thay vì 11 như trước. Hai yếu tố di truyền và không hút thuốc không còn được đề cập nữa. Đến năm 2020, ông Buettner đã bán Blue Zones cho một hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Empty

Trước khi nhà báo Buettner bán công ty của mình thì một bài báo công bố nghiên cứu được xuất bản năm 2019 xuất hiện. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu cho rằng đã có những sai sót xuất hiện trong khảo sát độ tuổi ở những khu vực có nhiều người sống thọ và siêu thọ (những người từ 110 tuổi trở lên). Nói cách khác, nhiều người sống thọ hơn 100 tuổi chỉ trên giấy tờ, không phải trên thực tế.

Nghiên cứu này do nghiên cứu viên cao cấp Saul Justin Newman - Trung tâm Nghiên cứu Theo chiều dọc (Center for Longitudinal Studies) thuộc Đại học Cao đẳng London (University College London – Anh) thực hiện. Nghiên cứu này không tập trung cụ thể vào các vùng xanh. Thay vào đó, Tiến sĩ Newman đã phân tích cơ sở dữ liệu của những người sống trăm tuổi và trên trăm tuổi từ Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Ý và Nhật Bản, sau đó tìm kiếm các điểm mà những người này sinh sống. Những điểm này không hoàn toàn trùng khớp với các vùng xanh, mặc dù có một số điểm trùng lặp.

Tiến sĩ Newman - người có lịch sử chỉ trích các nghiên cứu về tuổi thọ, cho biết tỷ lệ biết chữ thấp và việc lưu giữ hồ sơ kém đã dẫn đến việc không có giấy khai sinh vào khoảng đầu thế kỷ 20. Do đó, nhiều người lớn tuổi có thể không biết mình bao nhiêu tuổi và nếu không có giấy tờ hợp lệ, tuổi của họ hầu như không thể xác minh được. Trong những trường hợp khác, một người lớn tuổi có thể đã chết nhưng không được báo cáo, vì vậy có vẻ như người đó vẫn tiếp tục già đi. Các phân tích độc lập cũng đã phát hiện ra những loại bất thường này. Ví dụ, vào năm 2010, chính phủ Nhật Bản tiết lộ rằng có thể đã có 230.000 người “sống trên 100 tuổi” đã “chết” nhưng không được báo cáo. Tiến sĩ Newman cho rằng các vùng xanh cũng gặp phải những vấn đề tương tự.

Khi được hỏi, ông Buettner cho biết ông không ngạc nhiên khi một số tuyên bố về người sống trăm tuổi hóa ra là gian lận, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó không xảy ra ở những khu vực mà ông coi là vùng xanh. Ông cho biết các phương pháp mà ông và nhóm nghiên cứu của mình xác thực đầy đủ theo các tiêu chí nhân khẩu học nghiêm ngặt, bao gồm nhiều chuyến đi đến các khu vực để xác minh hồ sơ khai sinh bằng nhiều nguồn thông tin và phỏng vấn những người 90 tuổi, 100 tuổi và gia đình của họ. Ví dụ, ở Sardinia, điều đó bao gồm việc so sánh các cơ sở dữ liệu dân sự, lưu trữ nhà thờ viết tay và tái tạo phả hệ. Ông nói thêm rằng họ cũng đã điều tra các khu vực khác trên thế giới như những vùng xanh tiềm năng, nhưng chúng không đáp ứng đủ các tiêu chí.

Tuy nhiên, khi phản bác lại nghiên cứu này của TS. Newman, ông Buettner và các cộng sự của mình không đề cập tới Vùng xanh Loma Linda. Có thể là do Loma Linda "là một trường hợp ngoại lệ", ông Buettner thừa nhận: Ban đầu, nó được đưa vào danh sách vì biên tập viên của ông tại National Geographic đã nói với ông rằng "ông cần phải tìm ra vùng xanh của nước Mỹ".

Empty

Tuy nhiên, lý thuyết của Tiến sĩ Newman gây ra nhiều tranh cãi và hầu như không được các nhà học giả khác chấp nhận.

Tiến sĩ Nadine Ouellette - Phó Giáo sư Nhân khẩu học tại Đại học Montreal, người không tham gia vào nghiên cứu Blue Zones, cho biết những vấn đề mà Tiến sĩ Newman nêu ra là hoàn toàn có thật. Và một người càng lớn tuổi, "bạn càng gặp phải nhiều vấn đề về độ chính xác" của tuổi tác. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học nhận thức sâu sắc về những lo ngại này và do đó, họ nỗ lực xác minh độ tuổi của những người rất già bằng nhiều thông tin, không chỉ bằng giấy khai sinh và giấy chứng tử.

Ngoài những phản biện từ Tiến sĩ Newman, hai trong số các vùng xanh ban đầu, Okinawa và Nicoya có thể không còn đủ điều kiện của vùng xanh nữa. Ông Buettner cho biết đó là vì cách thức truyền thống của họ đã bị thay thế bằng chế độ ăn uống và lối sống hiện đại trong hai thập kỷ qua. Ông Buettner nói thêm: "Có thể các vùng xanh này biến mất trong vòng một thế hệ hoặc thậm chí là nửa thế hệ".

Bất kể những nơi này có thực sự tồn tại hay không, các chuyên gia lão khoa nhấn mạnh rằng các hành vi lối sống ở các vùng xanh là rất quan trọng đối với tuổi thọ. Không có nghi ngờ gì rằng chế độ ăn uống bổ dưỡng, hoạt động thể chất và cộng đồng có thể giúp mọi người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.

Tiến sĩ Nir Barzilai, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lão khoa tại Đại học Y Albert Einstein cho biết: "Các khái niệm về vùng xanh có phù hợp với những gì chúng ta biết về lão hóa không? Hoàn toàn phù hợp". Nhưng, Tiến sĩ Barzilai nói thêm, bản thân các vùng xanh và các lý thuyết đằng sau chúng chưa hẳn đã được xác thực về mặt khoa học. "Đó không phải là một nghiên cứu; đó là một quan sát - một quan sát phù hợp với những gì chúng ta nghĩ mình biết về lão hóa. Nhưng đó không phải là một khoa học".

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết