Lộ tuyến cổ tử cung có thực lành???


Ảnh minh họa

Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng lớp tế bào tuyến trong ống cổ tử cung phát triển lan ra mặt ngoài cổ tử cung. Do các tế bào tuyến lộ ra ngoài vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung nên bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, dễ dẫn đến viêm nhiễm và gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung

Lộ tuyến cổ tử cung được chia thành 2 loại là lộ tuyến sinh lý và lộ tuyến cổ tử cung mắc phải. Lộ tuyến sinh lý gặp ở độ tuổi sau dậy thì và ở đầu độ tuổi sinh sản do thay đổi nội tiết tố nữ, đặc biệt là tình trạng tăng estrogen. Lộ tuyến cổ tử cung mắc phải là do quá trình sinh đẻ, nạo hút thai nhiều lần, dùng thuốc tránh thai hỗn hợp hàng ngày… thường gặp ở lứa tuổi sinh đẻ.

Theo bác sỹ Trần Thị Tuyết Lan, nguyên Trưởng Khoa Sản II, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể phát hiện qua các biểu hiện:

Nếu chỉ có lộ tuyến cổ tử cung đơn thuần thường có biểu hiện: ra khí hư nhầy, trong, số lượng nhiều hoặc ít, không có mùi, ra liên tục không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt

Khi lộ tuyến cổ tử cung kết hợp viêm nhiễm, tùy theo từng loại vi khuẩn gây viêm mà có biểu hiện như: Khí hư nhầy, vàng đục; có thể loãng đục như mủ, có mùi hôi; có thể vón cục như bột trắng hoặc thành mảng màu xanh vàng như bã đậu; tại âm hộ có thể sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa, rát, hoặc tiểu tiện buốt…; có thể rong huyết hoặc ra máu bất kỳ.


Viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể gây vô sinh

Tình trạng lộ tuyến cổ tử cung dễ dẫn đến viêm lộ tuyến cổ tử cung và do một số nguyên nhân cơ bản như: Vệ sinh hàng ngày, vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt không thường xuyên, không đúng cách; Nguồn nước, quần lót, băng vệ sinh… không đảm bảo yêu cầu; Quan hệ vợ chồng không đảm bảo vệ sinh hoặc quan hệ với nhiều bạn tình; Nạo hút thai, sinh đẻ hoặc một số trung tâm y tế không đảm bảo an toàn; Do dùng một số thuốc kháng sinh hoặc do khi có thai nội tiết tố thay đổi dẫn đến mất cân bằng PH âm đạo và dễ gây viêm nhiễm; Làm việc quá căng thẳng, chế độ dinh dưỡng kém, sức đề kháng có thể giảm dẫn đến vi khuẩn dễ tấn công hơn…

Và “nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể gây ra những biên chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến ung thư cổ tử cung, vô sinh. Hiện, phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung được áp dụng chủ yếu là dùng thuốc uống hay đặt (tùy loại vi khuẩn) để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh, đối với những tình trạng bệnh nhẹ. Còn với những trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung nặng cần phải tiến hành đốt diệt tuyến cổ tử cung bằng điện, lazer hoặc áp lạnh…”, bác sỹ Lan cho biết.

Cách phòng và hạn chế viêm lộ tuyến cổ tử cung

Rửa và thấm khô vùng kín ít nhất 2 lần 1 ngày. Nếu có điều kiện nên thực hiện như thế sau mỗi lần đại tiểu tiện.

Rửa và thay băng vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt 4 giờ/lần vì máu kinh là môi trường rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Nguồn nước vệ sinh âm hộ đảm bảo sạch, không ngâm vùng kín trong chậu nước hoặc ao hồ.

Không dùng nước quá nóng hoặc dung dịch có tính sát khuẩn mạnh để vệ sinh vùng kín.

Không đưa tay hay vật lạ vào để làm sạch âm đạo vì sẽ làm mất lớp niêm dịch bảo vệ âm đạo.

Khi vệ sinh vùng kín hàng ngày phải thực hiện từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn sang đường sinh dục.

Không mặc quần bó sát vùng kín, quần lót nên dùng chất liệu cotton và phơi ở nơi có nắng và đảm bảo cho vùng kín luôn được khô thoáng.

Chế độ ăn uống đầy đủ các chất, tập thể dục thể thao hàng ngày để nâng cao thể trọng và sức đề kháng của cơ thể, tránh căng thẳng.

Trước, trong và sau quan hệ vợ chồng phải đảm bảo sạch sẽ cả 2 vợ chồng và thực hiện quan hệ 1 vợ 1 chồng.

Hạn chế tối đa nạo hút phá thai ngoài ý muốn.

(Bác sỹ Trần Thị Tuyết Lan, nguyên Trưởng Khoa Sản II, Bệnh viện Phụ sản Trung ương)

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Phụ khoa