Bệnh viện Quân Y 175 đã hỗ trợ bác sỹ đảo Trường Sa Lớn thực hiện thành công nhiều ca mổ trực tuyến. ảnh: H.P
Những giây phút sinh tử ở Trường Sa
Hiện ở đảo Trường Sa Lớn có một bệnh xá với 10 y bác sỹ thường xuyên túc trực. Ca mổ trực tuyến đầu tiên được tiến hành ở đảo Trường Sa Lớn cũng là bước đánh dấu cho sự ra đời của một em bé. Đó là ca mổ chào đón bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân vào tháng 4/2011. Bé là con gái của anh chị Nguyễn Tấn Thi và Nguyễn Ngọc Thanh Thúy. Các bác sỹ ở Trường Sa cho biết, trước khi chị Thúy sinh bé Xuân, qua siêu âm, thăm khám, họ xác định đây là ca khó, không thể sinh thường. Chị Thúy bị u xơ tử cung, khối u có đường kính hơn 10 cm. Gần đến ngày sinh, diễn biến của thai phụ càng thêm phức tạp. Ngôi thai nằm ngang, bị thiếu ối và dây nhau quấn cổ thai nhi. Sau khi báo cáo về đất liền với lãnh đạo, Bệnh viện Quân Y 175 quyết định dùng phương pháp mổ đẻ để bảo đảm an toàn cho mẹ và con.
Ngay lập tức, ThS.BS chuyên khoa Hồ Xuân Lãng được cử cấp tốc ra chi viện cho y tế đảo. 6 giờ 30 ngày 4/4, sản phụ Thúy bắt đầu tự chuyển dạ. Đến 8 giờ, mọi việc chuẩn bị đã xong, ca mổ được tiến hành lúc 10 giờ 37 phút với sự hỗ trợ của Bệnh viện Quân Y 175 qua cầu truyền hình. Chỉ vài phút sau, bé gái nặng 3,2kg đã chào đời, cất tiếng khóc khỏe mạnh...
Mới đây, Hạ sĩ Trần Văn Giáp (21 tuổi, tàu (HQ 935) - một chiến sỹ Hải Quân bất ngờ lên cơn đau ruột thừa. Đến đêm 11/6/2014, chiến sỹ này được đưa vào đảo Trường Sa Lớn sau 28 tiếng đồng hồ đau đớn. Sự việc được báo về Bệnh viện Quân Y 175 (TPHCM). Các bác sỹ tại đây đã kết nối chỉ đạo mổ trực tuyến với Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn cho Hạ sĩ Giáp.
BS Vũ Hồng Hiệp - phụ trách đường dây nóng- Bệnh viện Quân Y 175 cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo từ đảo, êkíp mổ ngay lập tức được hình thành với 5 y bác sỹ. Người trực tiếp mổ là BS Huỳnh Thanh Bình - chuyên khoa Ngoại. Người chỉ đạo mổ tại phòng họp chỉ huy Bệnh viện Quân Y 175 là BS Nguyễn Hồng Tuấn - Chủ nhiệm khoa Ngoại bụng của bệnh viện, cùng BS Phạm Thanh Hải - trực khối Ngoại, BS Nguyễn Đình Tổng - trực phòng Kế hoạch tổng hợp. Hơn 1 tiếng sau, ca mổ hoàn tất, chẩn đoán sau mổ cho hạ sĩ Trần Văn Giáp là viêm phúc mạc cục bộ do viêm ruột thừa mủ. Đến nay, chiến sỹ Trần Văn Giáp đã hoàn toàn hồi phục sức khỏe.
Các bác sỹ Bệnh viện Quân Y 175 cũng cho biết thêm, kể từ khi áp dụng phương pháp khám, chữa bệnh trực tuyến trên đảo, Bệnh viện Quân Y 175 và đội ngũ y bác sỹ ngoài đảo đã phối hợp cấp cứu thành công khá nhiều ca như ngạt nước, chấn thương… Với mỗi ca cấp cứu, nếu đưa về đất liền để cứu chữa thì thời gian, kinh phí cho mỗi chuyến đi có thể lên tới cả tỷ đồng. Chính vì thế, việc áp dụng khám- chữa bệnh trực tuyến là phương án tối ưu trong điều kiện hiện nay.
Theo các bác sỹ Bệnh viện Quân Y 175, việc điều trị trực tuyến giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian song cần có sự chính xác tuyệt đối. Người chỉ đạo từ đất liền có thể giúp một bác sỹ đa khoa chưa quen cầm dao mổ trong những ca mổ chuyên sâu từng chi tiết như đặt dao mổ từ vị trí nào, cách bao nhiêu xentimét… Vừa nhìn vào màn hình, người chỉ đạo mổ vừa chỉ đạo qua điện thoại. Để thực hiện các ca mổ trực tuyến như thế, phía đảo cần một camera có thể truyền tín hiệu qua hệ thống vệ tinh về đất liền. Camera được quay thẳng vào bàn mổ thật rõ nét để người chỉ đạo như đang trực tiếp ở hiện trường.
Ở Trường Sa Lớn luôn có một máy phát nên việc mất điện trong các ca mổ không phải là vấn đề đáng lo ngại, tuy nhiên các điều kiện khác vẫn còn quá khó khăn như bệnh xá đơn sơ, không có các phương tiện dự trữ máu… Đây vẫn là nỗi lo thường trực của đội ngũ y bác sỹ.
Sự sống hồi sinh nhờ kỹ thuật tiên tiến
Không chỉ ở Trường Sa, phương pháp điều trị trực tuyến đang được áp dụng ở nhiều địa phương trong cả nước. Nếu ở Trường Sa, chủ yếu đường truyền được truyền qua vệ tinh thì ở đất liền chủ yếu được truyền qua Internet và điện thoại. Nhiều ca mổ đã thành công nhờ phương pháp này.
10 giờ 45 phút sáng ngày 5/5/2005, ca mổ đầu tiên ghi dấu ấn lịch sử của ngành Y Việt Nam trong việc tư vấn phẫu thuật trực tuyến. Đó là ca mổ nội soi cắt túi mật tại Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) với sự tư vấn trực tuyến của các bác sỹ hàng đầu từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã thành công tốt đẹp sau 50 phút phẫu thuật. 9 giờ 55 phút, trong không khí hồi hộp của hàng trăm người chứng kiến từ hội trường Bệnh viện Việt Đức, phía đầu cầu Bệnh viện Việt Tiệp bắt đầu truyền những hình ảnh đầu tiên về bệnh án. Bệnh nhân là nữ, 53 tuổi, bị sỏi túi mật. Phương án điều trị là phẫu thuật cắt túi mật bằng nội soi. Thông qua hai màn hình chính là theo dõi gây mê hồi sức và theo dõi phẫu thuật, GS.TS Đỗ Kim Sơn, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam và PGS Chu Mạnh Khoa, Trưởng khoa Gây mê hồi sức không chỉ theo dõi được biểu đồ tim mạch, nhịp thở của bệnh nhân mà còn theo dõi trực tiếp các thao tác mổ tại phòng phẫu thuật Bệnh viện Việt Tiệp.
Sau những trao đổi về chuyên môn, kinh nghiệm và phán đoán sàng lọc trường hợp bệnh nhân, đầu cầu Hải Phòng tuyên bố chính thức bắt đầu. Tín hiệu đầu tiên của ca phẫu thuật là hình ảnh chiếc ống nội soi được đưa dần vào cơ thể bệnh nhân. Kể từ đó, các giáo sư, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức hòa mình với các hoạt động diễn ra tại phòng mổ cách đó hơn một trăm kilômét.
Phương pháp điều trị trực tuyến ngày càng được áp dụng phổ biến và đã cứu chữa được nhiều sinh mạng. Điển hình có thể kể đến một ca mổ diễn ra năm 2012 tại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre. Nhờ sự hỗ trợ của các bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đã cứu sống bệnh nhi Trương Thị Thúy An (5 tuổi, ngụ tại TP Bến Tre). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc nặng, mạch và huyết áp không đo được do mắc bệnh tay, chân, miệng độ 4. Sự sống của bé An tựa “nghìn cân treo sợi tóc” bởi trình độ của các bác sỹ tại đây khi ấy chưa thể đáp ứng được việc điều trị khá phức tạp. Nếu chuyển viện, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong. Thông qua hệ thống chẩn đoán chữa bệnh từ xa đang trong giai đoạn thử nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 và đề nghị được hỗ trợ chuyên môn. Trong cuộc hội chẩn trực tuyến, các chuyên gia tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tư vấn, hướng dẫn những phương pháp can thiệp hiệu quả nhất cho bệnh nhi. Kết quả sau một tuần điều trị, bé Thúy An đã nhanh chóng bình phục và xuất viện trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Vào năm 2011, cũng thông qua hệ thống chẩn đoán chữa bệnh từ xa, các bác sỹ tại Bệnh viện Từ Dũ đã hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai can thiệp kịp thời cứu sống trường hợp một thai phụ 27 tuổi bị chứng bệnh “tạng tiểu cầu nguyên phát” trên thai lưu 37 tuần tuổi.
Ngoài những ca bệnh điển hình trên, nhiều bệnh viện cũng đã áp dụng phương pháp điều trị trực tuyến vào thực tiễn. Phương pháp này đã chứng minh được sự ưu việt của nó, mở ra những hy vọng mới cho nhiều người bệnh.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý
Bình luận của bạn