Lười vận động dễ "làm bạn" với đái tháo đường

Lười vận động có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe

Lười vận động: "Thủ phạm" gây béo phì ở trẻ

Hiểm họa từ “bệnh” lười vận động

Lưu ý khi tập thể dục vào mùa Hè để tránh gây hại cho sức khỏe

Trẻ lười vận động phải làm sao?

Xu hướng đi ngược lại lối sống khoa học của nhiều người trẻ hiện nay không chỉ là cuộc sống về đêm, vừa ăn vừa làm việc. Nó còn được thể hiện ở việc ngồi, nằm lì một chỗ không vận động. Khi tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại để giải trí, làm việc, con người dần trở nên lười hoạt động hơn bởi sức hút của thiết bị điện tử quá lớn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thói quen lười vận động thể chất đang trở thành một “đại dịch” nguy hiểm và là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong trên toàn cầu. Mỗi năm thế giới có khoảng 3,2 triệu ca tử vong do không hoạt động thể chất. Các ước tính toàn cầu hiện nay cho thấy, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người không đáp ứng đủ mức độ vận động khuyến nghị.

Theo Vnexpress.net, Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có đến 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể chất. Tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn. Nghiên cứu năm 2019 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ ra, trung bình một người Việt đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, nhưng dân văn phòng chỉ là 600 bước, trong khi khuyến nghị của WHO là 10.000 bước.

Lười vận động khiến bạn lúc nào cũng trong tình trạng ủ rũ, mệt mỏi, không thanh lọc được các chất trong cơ thể. Đặc biệt, không vận động còn ảnh hưởng đến dinh dưỡng, cơ bắp, toàn thể trạng chung. Không chỉ vậy, khi năng lượng được hấp thụ vào cơ thể nhiều hơn lượng calo tiêu hao, bạn sẽ dễ mắc những căn bệnh nguy hiểm như: Thừa cân, béo phì, đái tháo đường...

Lười vận động là một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường

Lười vận động là một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường

Viện Quốc gia về bệnh đái tháo đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Mỹ cho biết, lối sống ít vận động là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2. Yếu tố này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, từ đó, có thể tạo điều kiện cho bệnh đái tháo đường type 2 phát triển.

Đái tháo đường được biết đến là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) công bố năm 2021, cả thế giới có tới 53 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người lớn độ tuổi 20-79 tuổi thì có 1 người mắc đái tháo đường; Cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Theo dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, hoạt động thể chất có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở một người. Theo khuyến nghị của WHO mức độ hoạt động thể chất của từng đối tượng như sau: Người trưởng thành nên thực hiện 150-300 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải (đi bộ, nâng tạ, tập thể dục nhẹ nhàng) hoặc 75-150 phút hoạt động thể chất cường độ mạnh (chạy, đi xe đạp, bơi lội) mỗi tuần; Trẻ em và thanh thiếu niên, trung bình 60 phút/ngày hoạt động thể chất cường độ trung bình đến mạnh trong tuần sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh đái tháo đường, bạn cần có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn quá nhiều đường. Theo khuyến cáo của WHO, người trưởng thành không nên dùng quá 25gr đường mỗi ngày, tương đương 5 thìa cà phê.

Nhìn chung, hoạt động thể chất là một trong những cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và cải thiện sức khỏe tổng thể. Vì vậy, mỗi ngày bạn hãy dành khoảng thời gian nhất định để tập luyện. Dù chỉ bằng những động tác đơn giản cũng có ích cho cơ thể, tránh tình trạng trì trệ.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội