Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ béo phì
Lười vận động: Coi chừng xơ vữa động mạch cảnh
Những thói quen khiến bạn thất bại trong việc giảm cân
Hơn 80% bạn trẻ lười vận động có thể gặp nhiều hệ lụy cho sức khỏe
Điều gì xảy ra khi lười vận động và không tập thể dục?
Trẻ dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử
Hiện nay đa số trẻ em, đặc biệt ở các thành phố lớn đều đang thiếu vận động. Chia sẻ trên Vnexpress.net, bé Bảo Minh (12 tuổi) cho biết nỗi sợ hãi lớn nhất của em là leo cầu thang bộ. Theo Minh, leo cầu thang bộ tốn rất nhiều thời gian, khiến em bị mệt và mất sức rất nhiều. Thói quen ưa thích của cậu bé này là nằm trên ghế và dán mắt vào chương trình truyền hình yêu thích mỗi ngày.
Tại trường học, mỗi tuần Minh có 15 phút cho buổi học thể dục. Thế nhưng Minh luôn học với thái độ miễn cưỡng, điểm kiểm tra chỉ đạt ở mức vừa đủ qua môn.
Trên thực tế, ngày nay nhiều em ở các thành phố lớn thường được cha mẹ "úm" rất kỹ, đến trường có người đưa đón và ít chơi những trò vận động mà thích sử dụng máy tính, điện thoại hoặc tivi hơn.
Theo Vnexpress.net, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2016, có hơn 80% thanh thiếu niên trong độ tuổi 11 - 17 ít vận động hàng ngày. Càng lớn trẻ càng lười vận động. Những trẻ ở độ tuổi 11 lười vận động hơn nhóm trẻ 6 tuổi trung bình 1 giờ mỗi tuần. Những số liệu này đã chứng minh cho hiện trạng lười vận động của trẻ em ngày nay.
Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có đến 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể chất. Tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn.
Nghiên cứu năm 2019 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ ra, trung bình một người Việt đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, nhưng dân văn phòng chỉ là 600 bước, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 10.000 bước.
Trẻ béo phì do lười vận động
Theo Ths.BS Phạm Ngọc Hiệp, Khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) chia sẻ trên báo Thanh niên, lười vận động là thực trạng chung ở giới trẻ hiện nay. Nhìn chung cứ 10 trẻ hoặc thanh thiếu niên đến khám tại khoa nhi có 9 trường hợp tình trạng ít vận động.
Tác hại của việc lười vận động là mối nguy về lâu dài cho sức khỏe của trẻ. Nhiều căn bệnh dễ nhận thấy từ đó như: Béo phì, bệnh lý về thần kinh, bệnh về mắt, hiện tượng trầm cảm và tự kỷ.
"Bệnh béo phì có nguy cơ gây hại sức khỏe cao. Béo phì có liên quan rối loạn chuyển hóa, khi một bệnh nền trên nền béo phì rất đáng lo ngại. Về lâu dài còn gây ra rối loạn chuyển hóa đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý về tim mạch khi lớn tuổi. Ảnh hưởng hệ xương làm thấp chiều cao, dễ chấn thương khi bị té ngã”, BS. Hiệp cho biết.
Chia sẻ thêm về những hậu quả mà căn bệnh béo phì gây ra, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói trên Báo công an Nhân dân, béo phì ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh, đặc biệt là các cô gái trẻ. Họ bị phân biệt, kỳ thị về cân nặng dẫn mặc cảm, tự ti, tổn hại về thể chất và tâm lý, thậm chí có người còn bị trầm cảm. Bên cạnh đó, béo phì làm tăng nguy cơ các bệnh ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư thực quản và tăng tử vong hơn.
Bên cạnh đó, thói quen lười vận động còn gây ra các vấn đề sức khỏe khác ở trẻ như: Cơ yếu, ngủ không ngon giấc, thiếu sức bền, thường xuyên căng thẳng, chán nản…
Khuyến khích trẻ vận động để giảm béo phì
Thực tế có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ lười vận động như: Dịch bệnh, yếu tố gia đình hay tác động từ các thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, áp lực học hành cũng khiến trẻ không có thời gian cho các hoạt động thể chất.
Để khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn, cha mẹ có thể áp dụng một số cách như sau:
- Lập thời gian biểu phù hợp cho trẻ và gia đình: Cha mẹ cần lập một thời gian biểu cho sinh hoạt trong gia đình, trong đó có kế hoạch cho trẻ. Yêu cầu của thời gian biểu là phải khoa học, rõ ràng như thời gian ăn, ngủ, học tập, giải trí và đừng quên là thời gian cho việc tập thể dục thể thao. Cách này giúp trẻ vừa có thói quen sinh hoạt khoa học, vừa giúp trẻ năng động hơn, không lười vận động nữa.
- Chơi cùng trẻ: Với những trẻ lười vận động, lúc đầu cha mẹ nên dành thời gian chơi cùng con. Hãy bắt đầu bằng những trò con thích. Cho trẻ vận động bằn cách bày ra các trò chơi dân gian như: Trò chơi trốn tìm, đá gà, cua cắp, cá sấu lên bờ... hoặc những trò chơi xã hội như chơi nấu ăn, bán hàng...
- Cho trẻ tham gia đội nhóm, sinh hoạt tập thể: Cha mẹ có thể đưa trẻ đến những môi trường sinh hoạt tập thể, nhóm để bé tham gia như: Câu lạc bộ nhảy, múa, hát với bé gái hay võ thuật với bé trai.
- Khích lệ và động viên trẻ: Cha mẹ không nên quát mắng và dọa nạt khi con không muốn chơi, hãy khích lệ tinh thần, khen ngợi mỗi khi trẻ tích cực.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến nghị về mức hoạt động thể chất cho từng nhóm tuổi như sau:
- Đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi: Tất cả trẻ sơ sinh nên hoạt động thể chất vài lần trong ngày. Đối với những trẻ chưa biết đi hay bò, có thể cho bé thực hiện những hoạt động ở tư thế nằm sấp, ví dụ như với và cầm nắm đồ vật, tập trườn... khoảng 30 phút và trải đều trong ngày.
- Đối với trẻ em dưới 5 tuổi: Nên dành ít nhất 180 phút/ngày cho nhiều loại hoạt động thể chất ở nhiều cường độ khác nhau. Trong đó, với trẻ 3-4 tuổi nên dành ít nhất 60 phút cho các hoạt động thể chất từ trung bình đến cường độ mạnh.
- Trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-17 tuổi: Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên nên thực hiện ít nhất 60 phút mỗi ngày hoạt động thể chất vừa phải đến cường độ mạnh. Điều này nên bao gồm các hoạt động tăng cường cơ bắp và xương, ít nhất 3 ngày mỗi tuần. Thực hiện hơn 60 phút hoạt động thể chất hàng ngày sẽ mang lại thêm lợi ích cho sức khỏe.
- Người lớn từ 18 tuổi: Nên thực hiện tổng cộng ít nhất 150 phút hoạt động thể chất cường độ trung bình hoặc ít nhất 75 phút hoạt động thể chất cường độ cao trong suốt cả tuần, bao gồm các hoạt động tăng cường cơ bắp từ 2 ngày trở lên mỗi tuần.
Bình luận của bạn