Magne – bảo bối cho bà bầu

Magne - khoáng chất đánh tan lo âu

Thiếu magne và những bệnh tật nguy hiểm

Magne "hộ vệ" cho trái tim

Đối phó với thay đổi tâm lý khi mang thai

Trả lời:

Magne (Mg) cần thiết cho sự biến dưỡng của calci, phospho, natri, kali, vitamin C, một số vitamin nhóm B; Giúp điều hòa trạng thái thần kinh và chức năng vận động của hệ cơ; Góp phần quan trọng trong việc biến đổi đường trong máu thành năng lượng; Giúp đốt cháy chất béo để biến thành năng lượng. Do đó giúp chống lại sự suy nhược, mệt mỏi và mập phì; Làm giãn mạch nên giúp cho hệ tim mạch được khỏe mạnh và giúp ngăn ngừa tai biến tim mạch.Trong các vai trò của Mg có một vai trò rất đặc biệt đối với sản phụ, đó là ngăn ngừa bệnh sản giật, do đó ngừa đẻ non và giảm tử vong sản khoa. Ngoài ra, Mg còn làm giảm bớt triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt; Giữ răng và hệ xương khỏe mạnh; Phòng ngừa sự lắng đọng calci thành sỏi thận; Giảm chứng khó tiêu và táo bón; Mg có vai trò như là một chất an thần chống stress, chống lão hóa và ngừa ung thư.

Cơ thể con người chứa khoảng 20g Mg chủ yếu ở hệ xương và cơ. Hàng ngày, Mg luôn bị mất đi theo mồ hôi, nước tiểu. Nhu cầu cần bổ sung Mg hàng ngày cho người lớn khoảng 420mg, ở phụ nữ có thai và cho con bú nhu cầu 400mg/ngày.

Nếu thiếu Mg thì sao? Khi khẩu phần bị thiếu Mg lâu ngày sẽ dẫn tới các triệu chứng sau: Nhạy cảm thần kinh, dễ bực bội, stress, rối loạn vận mạch, run. Phụ nữ có thai dễ bị chứng tiền sản giật, sản giật, rất nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và thai nhi. Do đó khi mang thai, phụ nữ cần lưu ý không để thiếu Mg. Nếu xảy ra các triệu chứng của tiền sản giật như phù chân tay, tăng huyết áp, protein nước tiểu, nhức đầu... thì phải đi khám ngay để bác sỹ cho dùng Mg sulfat tiêm đồng thời cho ăn uống theo chế độ giàu Mg.

Người dễ bị thiếu Mg: Người đang dùng thuốc lợi tiểu loại thiazid, đổ nhiều mồ hôi, tiêu chảy, nôn mửa dài ngày, nghiện rượu.

Nguồn thiên nhiên chứa Mg: Các loại ngũ cốc, đậu đỗ, rau lá có màu xanh đậm chứa nhiều Mg. 100gr các món sau đây chứa trên 100mg Mg: Gạo lứt (110mg), đậu phộng (220mg), đậu nành (279mg), đậu xanh (200mg), mè trắng (220mg), mè đen (347mg), rau dền (106mg), rau răm (138mg), rau ngót (129mg), nấm mèo (211mg), quả bàng (600mg), đậu trắng (145mg), tía tô (123mg), hạt dưa (112mg)...

Qua những dẫn liệu nói trên cho thấy vai trò quan trọng của Mg đối với sức khỏe, trong đó có sức khỏe của phụ nữ mang thai. Vì vậy, anh nên cho chị nhà ăn nhiều thực phẩm giàu magne để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi nhé.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị