Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

Sáng 2/1/2023 xem truyền hình CNN thấy dòng tin chạy chữ: Chính quyền bang New York cho phép cơ thể người (human bodies), sau khi chết, có thể làm phân bón. Ý tưởng này chắc chắn sẽ bị đông đảo người Việt chúng ta, vốn coi trọng tâm linh, và những người đã khuất, sẽ không bao giờ đồng tình. Nếu cơ thể người có thể “chế biến” làm phân bón, thì tôi nghĩ rằng, nhiều người trong chúng ta chắc không muốn trở thành người. Thời trước, cụ Nguyễn Công Trứ, từng viết: “Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…”

Trong thời đại A.I (trí tuệ nhân tạo) và người máy đang lên ngôi, với cơn sốt ChatGPT hiện nay, thì chưa chắc người máy muốn trở thành người (có thể vì làm Người Thật khó hơn, rắc rối hơn, đặc biệt chắc chắn bệnh tật nhiều hơn?). Tôi nghĩ vậy khi nhớ đến câu nói của bé gái trong phim “Sau Yang” (“After Yang”) của đạo diễn Kogonada, khi cha em hỏi: “Phải chăng em bé người máy muốn thành người?” Em trả lời: “Cha tưởng tất cả những sinh vật khác đều muốn trở thành người sao?”.

Vì đang viết về gia đình, tôi đã lại xem bộ phim “After Yang” (một trong những phim mà cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama giới thiệu trong 10 bộ phim ông xem trong năm 2022 trên tài khoản Twitter của mình). Cuốn phim đề cập đến nỗi đau thật sự khi cả nhà phải rơi vào khủng hoảng vì mất đi đứa con nuôi có tên là Yang là một thành viên người máy A.I. Yang được tạo ra vốn chưa có cảm xúc và chỉ được sống trong môi trường gia đình thật, Yang mới nảy sinh buồn vui, yêu thương, đau khổ và hy vọng.

Bộ phim, được chuyển thể từ truyện ngắn khoa học viễn tưởng của Alexander Weinstein, kể về một gia đình khi họ phải chống lại nỗi đau mất người thân khi Yang, người “em thứ hai”, đột nhiên bị “chết” (tắt nguồn). Đó là gia đình hai vợ chồng Jake và Tyre, họ có một cô con gái nuôi tên Mika - và cả Yang - một con trai người máy - được lập trình với những ký ức và kiến thức Trung Hoa, những người mà gia đình Jake ngày càng yêu mến. Khi Yang rơi vào trạng thái hôn mê không rõ nguyên nhân, thì cả gia đình đau đớn như mất đi người thân thật sự, chứ không phải là mất đi một món đồ. Yang đã được mua từ cửa hàng đồ cũ, không có bảo hành, vì vậy Jake buộc phải đưa Yang đến một người thợ sửa chữa ngoài đường, người này tiết lộ rằng Yang đã bị cấy phần mềm gián điệp, được thiết kế để thu thập dữ liệu của người tiêu dùng. Mặc dù bị “chết”, nhưng phần lớn trí nhớ của Yang cũng đã được sao lưu. Từ những đoạn sao lưu này, mà gia đình biết rằng Yang đã yêu thầm một nhân viên quán cà phê gần nhà, và cũng một người nhân bản - một hiện tượng phổ biến trong tương lai gần. Nhưng cả hai phải chịu đựng sự phân biệt đẳng cấp giữa người thật và người máy, ngay cả trong gia đình.

Empty

Khi viết đến đây, thì đột nhiên máy lạnh trong phòng tôi bị tắt (vì cúp điện) và tôi cũng mất đi cảm hứng viết tiếp… Khi có điện trở lại, tôi hiểu rằng, cho đến nay, thế giới sống của chúng ta, nói cho cùng, vẫn sống nhờ năng lượng. Không có điện A.I cũng chết và đột nhiên một robot A.I thông minh vượt trội con người cũng trở nên ngu muội. Tôi bỗng nhìn ra dải nắng chiều trong vườn nhà, và chợt hiểu rằng ngay cả người máy như Yang cũng phải chết, thì liệu một ông già như tôi ở tuổi thất thập, có gì phải lo lắng cho “buổi chiều của riêng mình sắp tắt nắng ngoài kia”. Vấn đề của tôi là làm sao giữ được sức khỏe để được sống trọn vẹn với gia đình. Bí quyết hạnh phúc không phải là sự gắn bó với người thân, gia đình hay sao? Trận động đất kinh hoàng mới xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã hủy diệt hơn 41.000 người trong nháy mắt, và hầu hết những người còn sống đều than khóc vì mất gia đình, mất vợ, mất con, mất chồng, mất cháu, mất ông, mất bà… Những mối liên hệ gia đình làm chúng ta càng đau đớn khi mất mát như cắt đứt da thịt của mình!

Empty
Empty

Người Việt Nam chúng ta hiện nay đang bị thách thức gay gắt trước các giá trị nền tảng của văn hóa gia đình. Con cái chúng ta sẽ dần lớn lên và “trở thành” chính chúng, ngày càng độc lập và mối quan hệ gắn bó gia đình dường như trở nên mơ hồ. Mới tuần trước đây, một bạn tôi đang sống ở Toronto Canada sau 50 năm tìm lại, đã gửi cho tôi một email tâm sự: “Tôi vẫn còn cha mẹ. Thật là hạnh phúc và tôi dành toàn bộ thời gian để chăm sóc họ đã qua tuổi 97. Có lẽ, tôi là thế hệ cuối cùng của những người chăm sóc cha mẹ và là thế hệ đầu tiên bị chính con cái của mình bỏ rơi ở hải ngoại.” Giờ đây, như người bạn tôi bên Canada, phải biết học dung hòa và nhượng bộ giữa những xung đột trong quan hệ gia đình, để có thể tận hưởng niềm vui của người từng trải.

Khi còn “sống”, Yang-người-máy thường chăm sóc mẹ, thường kể cho mẹ Kyra về một câu chuyện của Lão Tử. “Mẹ biết con sâu bướm gọi là sự chết của mình là gì không? Nó gọi đó là con bướm.” Yang-người-máy muốn an ủi mẹ rằng: sự chết là bắt đầu sống lại. Phật giáo gọi đó là “sắc sắc không không, không tức thị sắc và sắc tức thị không”. Rốt cuộc thì Yang là một NGƯỜI MÁY - nhưng anh vẫn hoàn thành những nghĩa vụ của NGƯỜI THẬT: làm con, làm anh em, làm người yêu… Yang khiến người xem cảm thấy như anh ấy vẫn thế - vẫn sống giữa cuộc đời, gắn bó với gia đình và sống để yêu thương.

Empty

“After Yang” dường như cũng đề cập đến một phần thuyết gắn bó của nhà phân tâm học người Anh Edward John Mostyn Bowlby (1907-1990), khi nhấn mạnh đến nỗi tiếc thương Yang của những thành viên khác trong gia đình. Một gia đình với các thành viên người thật, người máy, người nhân giống đều phải gắn bó theo một bản năng của con người thật. Theo đó, Bowlby cho rằng trẻ em sinh ra trên thế giới đã được lập trình sẵn về mặt sinh học để hình thành sự gắn bó với người khác, bởi vì điều này sẽ giúp chúng tồn tại. Đứa trẻ có nhu cầu bẩm sinh gắn liền với một nhân vật gắn bó chính. Mặc dù, John Bowlby đã chết trước khi Yang được tạo thành, nhưng ông vẫn dự báo trước rằng các đứa trẻ (dù là người máy) vẫn được lập trình gắn bó với mẹ.

Empty

Trước đó, Lý thuyết phân tâm học Freud (1926), cho rằng sự gắn bó của người mẹ nhằm thỏa mãn các bản năng của đứa trẻ. Freud tuyên bố rằng mối quan hệ tình cảm giữa mẹ và con hình thành do sự gắn bó của trẻ sơ sinh với mẹ. Đó là yếu tố chính và căn bản nhất để tạo ra mối quan hệ gia đình - quan hệ tạo ra tính cách đặc biệt của các thành viên và cả cơ địa sức khỏe của họ nữa. Người Việt Nam chúng ta có một so sánh tuyệt vời giữa Mẹ và nguồn nước: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết: “Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.” (Trích: Thích Nhất Hạnh: Tìm bình yên trong gia đình, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2022, tr.294).

Khi quan hệ “cha mẹ và con” được định nghĩa lại một cách khác đi, thì có thể đó là nguồn gốc khiến tỷ lệ lập gia đình trong thế kỷ 21 sẽ giảm nhiều, nhất là ở các quốc gia phát triển. Một nghiên cứu năm 2015 của Viện Pew, Hoa Kỳ, cho thấy: “Ngày nay, (ở Mỹ) 62% trẻ em sống với cha mẹ đã kết hôn - một mức thấp chưa từng có. Khoảng 15% đang sống với cha dượng hoặc dì ghẻ và 7% đang sống với cha mẹ đang sống thử. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em sống với cha hoặc mẹ đơn thân là 26%, tăng từ 9% vào năm 1960”.

Gia đình của người máy Yang có thể nói là gia đình hạnh phúc, nhưng vẫn còn phân biệt đẳng cấp máy-người, và khi Yang biết yêu và “chết”, thì rõ ràng Yang vẫn còn thiếu một tình mẹ thật sự, sự gắn bó với mẹ là chưa đủ ở thế hệ người máy của Yang.

Empty
Empty

Trở lại với thế giới thật của chúng ta, các ngôi sao thế giới trên nhiều lãnh vực, đều có mối quan hệ gắn bó với gia đình, nhất là người mẹ. Ví dụ: ngôi sao bóng đá mà tôi yêu thích là Mbappe, đội tuyển Pháp. Mặc dù sinh ra trong một khu nghèo nhất nước Pháp Saint Dennis, cậu bé người gốc Cameroon đã được cha mẹ nuôi lớn và hướng dẫn ngay từ 5 tuổi để trở thành ngôi sao thế giới. “Không có gia đình, tôi chỉ là đám mây, chứ không phải ngôi sao,” Mbappe từng nói. Những người da màu di cư đến phương Tây nổi tiếng phần lớn nhờ ơn dưỡng dục của cha mẹ và người thân, hơn là xã hội nơi họ mới đến. Michelle Obama, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, trong cuốn hồi ký “Trở thành” (Becoming) đã nhiều lần khẳng định như thế.

Tôi cũng từng say mê hồi ký của tướng Collin Powell, người mà Cố Đại tướng Mai Chí Thọ đã viết lời giới thiệu khi in bản dịch Việt ngữ lần đầu tiên. Trong cuốn hồi ký này, Collin Powell da màu đã lớn lên trong yêu thương của gia đình. Không có gắn bó này ông không bao giờ tạo ra sự nghiệp vĩ đại sau này, khi là Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Bộ trưởng Ngoại giao, trong Chính phủ Mỹ.

Khi tôi còn học tiểu học, tôi say mê cuốn truyện “Không gia đình” của Hector Malot. Đó là một câu chuyện hấp dẫn, trong đó cậu bé mồ côi Remi làm thuê cho một nghệ sỹ đường phố khi cha mẹ nuôi quá nghèo đến nỗi không thể nuôi Remi nữa. Cuộc đời của Remi đầy nước mắt, nhưng cuối cùng cậu bé cũng tìm được hạnh phúc khi được đoàn tụ với gia đình. Câu chuyện của cậu bé người máy Yang của thế kỷ 21 và cậu bé mồ côi Remi của thế kỷ 19, mặc dù có bao nhiêu chi tiết khác nhau, vẫn tìm thấy kết cuộc hạnh phúc và sức mạnh trong một cộng đồng nhỏ có tên là Gia đình.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa