Mùa mưa Nam Bộ diễn biến bất thường: Báo động bệnh do muỗi lây truyền

Mùa mưa - mùa muỗi hoành hành

Muỗi và những nơi trú ngụ, đẻ trứng không ngờ

Những căn bệnh nguy hiểm do muỗi lây truyền

Trồng cây gì, sử dụng tinh dầu nào để đuổi muỗi mà không độc hại?

Dùng thuốc chống muỗi cho trẻ thế nào để an toàn?

Thời tiết Nam Bộ bất thường khiến muỗi hoành hành

Mùa mưa ở Nam Bộ thường bắt đầu từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 cho đến hết tháng 10. Tuy nhiên, ngay từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 (mùa khô), những cơn mưa trái mùa đã xuất hiện tạo điều kiện cho các bệnh lây truyền qua muỗi phát triển mạnh mẽ vào chính mùa mưa.

Sở dĩ vậy vì mưa trái mùa khiến nước mưa đọng lại những chỗ trũng như lá cây, vỏ lon, bánh xe, gáo dừa… tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển và lây truyền nhiều bệnh.

Theo dự báo của các chuyên gia khí tượng thủy văn, hiện tượng El Nino (nắng nóng) có khuynh hướng trở lại bắt đầu từ tháng 5, 6/2017. Xác suất trở lại của El Nino lên đến 60 - 70% vào chính mùa mưa ở Nam Bộ. Như vậy, cùng với nắng nóng gay gắt và những cơn mưa tuy ít nhưng kéo dài sẽ tạo cơ hội cho các bệnh do muỗi lây truyền một cách mạnh mẽ. Hơn nữa, nền nhiệt độ cao khiến cho thời gian phát triển chu kỳ trứng thành muỗi rút ngắn, kéo dài thời gian sống của muỗi, làm gia tăng mật độ muỗi khiến tăng nguy cơ dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, thời tiết nóng sẽ mở rộng phạm vi sinh sống và khiến chúng “đông, hung hãn” hơn. Cụ thể nhiệt độ ấm lên có thể làm tăng tốc độ sinh sản, tăng nhu cầu máu và kéo dài mùa sinh sản của muỗi cái tới 76%.

“Mưa trái mùa sẽ nhiều nhưng mưa chính mùa lại ít hơn. Nắng nóng năm nay được dự báo sẽ nóng hơn so với trung bình. Đây là những cảnh báo đầu tiên nên chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến về El Nino để có thể đưa ra những dự báo xa về hiện tượng thời tiết năm nay”.

Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia

Đề phòng các loại muỗi lây bệnh phổ biến trong mùa mưa

Muỗi Anophen: Lây lan bệnh sốt rét

Sốt rét là chứng bệnh gây ra bởi ký sinh trùng tên Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác do muỗi đốt. Người bị sốt rét thường có các biểu hiện ban đầu gồm sốt cao, ớn lạnh và các triệu chứng như bị cúm nặng, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được điều trị. Bệnh này hiện có thể chữa và phòng ngừa bằng thuốc.

Muỗi Aedes: Lây lan bệnh sốt xuất huyết và virus Zika

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue chủ yếu là loài Aedes. Đây là loài ưa thích hút máu người ban ngày, thường vào buổi sáng sớm và chiều tà. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các xó tối trong nhà, đẻ trứng ở những vật chứa nước sạch trong khu dân cư. Muỗi Aedes phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình 25 - 35 độ C.

Người bị sốt xuất huyết Dengue thường có biểu hiện cấp tính như sốt cao đột ngột, kèm theo đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau như da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi... Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa có văcxin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Đối với virus Zika, muỗi Aedes cũng lây truyền virus qua đường đốt, Các triệu chứng do nhiễm virus Zika là: Sốt, phát ban, đau khớp, đau mắt đỏ và có thể tự khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, không ít bằng chứng khoa học khẳng định rằng, loại virus này có thể gây dị tật bẩm sinh, khiến não thai nhi bị teo nhỏ (bệnh đầu nhỏ). Bệnh đầu nhỏ khiến trẻ không phát triển đầy đủ, bị chậm phát triển trí tuệ và các vấn đề khác. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu ngăn chặn virus Zika.

Muỗi Culex: Gây viêm não Nhật Bản và bệnh giun chỉ bạch huyết

Bệnh viêm não Nhật Bản được lây truyền từ động vật như lợn, chim sang người qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Bệnh thường gây tổn thương nặng nề, có thể để lại di chứng: Liệt, rối loạn thần kinh, tâm thần và có tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay, biện pháp tốt nhất để phòng ngừa viêm não Nhật bản vẫn là tiêm vaccine.

Muỗi Culex cũng làm lây truyền bệnh giun chỉ bạch huyết (hay còn gọi là chân voi) - một căn bệnh nhiệt đới do ký sinh trùng giun chỉ gây ra. Bệnh rất khó phát hiện vì thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 5 - 7 năm, bệnh nhân sẽ không nhận thấy triệu chứng đặc biệt gì. Thời kỳ phát bệnh có thể kéo dài nhiều năm, bệnh nhân bị sốt, sau vài ngày viêm hệ bạch huyết, xuất hiện đường viêm đỏ, đau dọc theo bạch mạch, thường là mặt trong chi dưới. Dấu hiệu điển hình của bệnh chân voi là lớp da của bệnh nhân dày và phù lên rõ rệt, đặc biệt ở ở chân và bộ phận sinh dục ngoài của nam giới.

Biết Tuốt H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm