Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn giao mùa.
Viêm màng não mô cầu: Bệnh truyền nhiễm có thể tử vong trong 24h
Bộ Y tế: Hoàn thiện chính sách, tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Yếu tố nào khiến trẻ dễ mắc bệnh giao mùa?
Chú ý bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng mới giao mùa
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số bệnh có vaccine phòng như sởi, ho gà, cũng như các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, cúm A/H5N1 vẫn ghi nhận và bùng phát tại nhiều quốc gia.
Trong nước, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, số ca mắc sởi ở trẻ 11-15 tuổi tại một số địa phương đang gia tăng, đồng thời đã ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 trên người. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng bắt đầu có xu hướng tăng cục bộ tại một số khu vực.
Thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với nhu cầu đi lại, du lịch tăng cao trong kỳ nghỉ lễ và mùa cao điểm hè năm nay, là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân.
Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố cần giao trách nhiệm toàn diện cho chính quyền địa phương trong công tác phòng dịch; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp triển khai hiệu quả tiêm chủng mở rộng, rà soát, không bỏ sót đối tượng tiêm.
Đồng thời, các địa phương phải bố trí kinh phí, đảm bảo nguồn lực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, trong đó có kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố được yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống sởi đợt 3 năm 2025, hoàn thành tiêm chủng lần 1 trước 30/4 và lần 2 trước 15/5. Các hình thức tiêm chủng cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương như tiêm tại nhà, trường học, lưu động. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm vét, tiêm bù, đảm bảo cập nhật đầy đủ thông tin trên hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Bộ Y tế cũng yêu cầu địa phương xây dựng phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh trong mùa hè, tại các ngày lễ lớn như 30/4, 1/5 và trong mùa du lịch hè. Công tác giám sát cần được tăng cường từ cửa khẩu, cộng đồng đến cơ sở y tế; chủ động phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, triển khai kịp thời các biện pháp xử lý ổ dịch, ngăn chặn bùng phát, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm như dại, cúm A/H5N1, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bạch hầu.
Các đơn vị y tế địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để thường xuyên phân tích, đánh giá nguy cơ và đề xuất các biện pháp phòng dịch phù hợp, hiệu quả.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh trên động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại, 3 bệnh than..., kịp thời chia sẻ thông tin với ngành y tế để triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm sang người; thực hiện tốt việc quản lý đàn chó, mèo và tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine phòng bệnh; thực hiện tốt công tác y tế trường học, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời; phối hợp triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm vaccine tại các cơ sở giáo dục.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; phối hợp cung cấp các khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, tiêm chủng vaccine và thay đổi hành vi, nâng cao sức khỏe.
Sở Tài chính căn cứ kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2025 đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bố trí cấp đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch và tiêm chủng mở rộng, chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí dự phòng trong trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur-Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đầu mối phối hợp các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thực hiện phân bổ ngay vaccine sởi cho các tỉnh, thành phố để triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng theo Quyết định số 1340/QĐ-BYT ngày 21/4/2025 của Bộ Y tế.
Bình luận của bạn