Muốn cấm nhân viên ngủ trưa thì FPT cần thay đổi giờ làm việc

Nhiều ý kiến cho rằng, xét về tính mục đích thì thì quy định đó rất đáng hoan nghênh nhưng xét về mặt “quan hệ trong công việc” thì rất có vấn đề. Nó mang tính áp đặt và không có tính thuyết phục. Đó là lý do dẫn đến hiệu ứng phản ứng từ phía nhân viên.

Muốn cấm nhân viên ngủ trưa thì FPT cần thay đổi giờ làm việc 1
 
Cấm nhân viên ngủ trưa để thay đổi một thói quen
Mới đây, ngày 10/6, Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) - ông Phạm Minh Tuấn đã chính thức ký quyết định về việc ban hành nội quy văn phòng tại khu vực Hà Nội, trong đó có quy định "cấm cán bộ nhân viên công ty nằm ngủ trong khu vực làm việc".

Thông tin này từng xuất hiện trên trang thông tin nội bộ của FPT trước đó. Chủ tịch FPT IS, ông Đỗ Cao Bảo dẫn phản hồi từ khách hàng Mỹ, Hà Lan rằng, những đối tác này đã bị "sốc" khi thấy nhân viên Việt Nam ngủ trưa trong văn phòng. Trong khi đó ở Mỹ và châu Âu tuyệt đối không có chuyện ngủ trong văn phòng. "Họ lo ngại rằng nếu sau này chúng ta cử cán bộ sang hãng họ làm việc mà mang văn hóa ngủ trưa sang thì vừa làm xấu hình ảnh Việt Nam, hình ảnh FPT mà có thể nhân viên đó còn bị trả về Việt Nam, nặng hơn nữa là bị cắt hợp đồng" - ông Bảo nói.

Được biết, lý do duy nhất là Tập đoàn FPT đưa ra quy định “gây sốc” – cấm nhân viên ngủ trưa là "vì sự nghiệp toàn cầu hóa". Trong công cuộc toàn cầu hóa về ICT, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Trung Quốc và như thế, ngoài yếu tố chuyên môn còn có yếu tố văn hóa. Do vậy, muốn lấy được hợp đồng của các đối tác, muốn vượt lên so với Ấn Độ và Trung Quốc thì nhân viên Việt Nam nên bỏ thói quen ngủ trưa.

Tuy nhiên, sau khi quy định này được đưa ra, nhiều nhân viên lao động lại cho rằng đó là quy định vô lý, việc không ngủ trưa là phản khoa học. Nhưng lãnh đạo FPT vẫn kiên định với quyết định của mình. Ông Bảo cho rằng: "Ngủ trưa chỉ thuần túy là một thói quen. Lãnh đạo cao nhất tập đoàn như anh Trương Gia Bình cũng không ngủ trưa và tôi chưa thấy những người ngủ trưa ở FPT có năng suất lao động cao hơn những người không ngủ trưa. Tương tự như vậy ở các nước châu Âu, Mỹ, họ tuyệt đối không ngủ trưa ở văn phòng mà năng suất lao động của họ cao hơn chúng ta nhiều lần…”. Ông Bảo cũng cho biết, ông chưa thấy những người ngủ trưa có năng suất lao động cao hơn những người không ngủ trưa. Bởi vậy không có cơ sở gì để khẳng định rằng ngủ trưa là để tái tạo sức lao động".

Thấy gì từ quyết định gây sốc?

Nhìn về “nội tình” của Tập đoàn FPT qua quy định “cấm nhân viên ngủ trưa”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Lê (Trung Ương Đoàn TNCS HCM) cho rằng: việc lãnh đạo này ra quy định xét về góc độ luật pháp thì họ không vi phạm gì, tuy nhiên xét về quan hệ công việc thì việc ra quy định này lại có vấn đề. Quy định đó mang tính áp đặt và đó là lý do không nhận được sự đồng thuận của nhiều cán bộ nhân viên cấp dưới.

Theo thạc sĩ Hồng Lê, xét về văn hóa thì giữa người phương Tây và người Việt Nam có sự khác nhau cả về thói quen sinh hoạt, ăn ngủ và nhịp đồng hồ sinh học. Chính văn hóa, tập tục và thói quen khác nhau này nên mới dẫn đến việc người phương tây “không ngủ trưa”, còn người Việt Nam lại “ngủ trưa”. Giấc ngủ trưa đối với người Việt, đôi khi chỉ cần 5 – 10 phút, có khi là 15 – 30 phút nhưng lại vô cùng quan trọng. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và có kết luận về những ích lợi về sức khỏe từ việc ngủ trưa này.

Trong khi người Việt đang quen ngày ăn 3 bữa và cần có giấc ngủ trưa thì quy định của lãnh đạo tập đoàn FPT đưa ra với nội dung “cấm nhân viên ngủ trưa” gặp phải sự phản ứng là điều dễ hiểu. Quy định này xuất phát từ mục đích muốn nâng cao hiệu suất lao động và nâng cao vị thế cạnh tranh về mặt văn hóa với các thị trường các nước khác. Xét về tính mục đích thì rất đáng hoan nghênh nhưng xét về mặt “quan hệ trong công việc” thì lại có vấn đề. Quy định này mang tính áp đặt và không có tính thuyết phục. Đó là lý do dẫn đến hiệu ứng phản ứng từ phía nhân viên.

Nói là áp đặt là bởi, họ đưa ra quy định “cấm” mà không xét đến các yếu tố khác, không tìm hiểu mọi vấn đề một cách có ngọn nguồn. “Tôi làm việc nhiều với nhiều người nước ngoài thì đúng là thấy người nước ngoài không có thói quen ngủ trưa và họ làm việc rất năng suất. Thế nhưng giờ làm việc của họ lại rất muộn. Họ thường bắt đầu làm việc từ 10 giờ (nơi sớm nhất là 9 giờ sáng) và họ làm thâu trưa cho đến chiều tối. Trong khi đó người Việt thì lại đi làm rất sớm, thường là từ 7 - 8 giờ sáng", bà Lê nói.
Muốn cấm nhân viên ngủ trưa thì FPT cần thay đổi giờ làm việc 2

Cũng theo bà Lê, người nước ngoài, bữa sáng của họ là bữa chính. Họ quan niệm sau một đêm ngủ nghỉ dài như vậy thì bữa sáng cần phải hấp thụ nhiều năng lượng. Do vậy họ dành thời gian tổ chức bữa ăn sáng và đến công sở vào giờ gần trưa và làm việc một mạch cho tới chiều. Nếu dùng bữa trưa thì họ chỉ dùng bữa nhẹ, chỉ vài cái bánh bích quy, một ly sữa hay 1 cốc cà phê là xong.

Còn người Việt Nam thì bữa sáng lại là bữa phụ, bữa trưa lại là bữa chính. Người Việt Nam không thể đến cơ quan muộn từ 9 – 10 giờ như người nước ngoài, mà phải có mặt từ 7 – 8 giờ sáng.

Khi giờ làm việc vào buổi sáng bắt đầu sớm như vậy thì họ sẽ phải dành thời gian ăn bữa chính vào buổi trưa và cần có thời gian nghỉ ngơi để tiếp tục tái tạo sức khỏe cho giờ làm việc buổi chiều.

Như vậy, đặt trong thói quen về giờ giấc và sinh hoạt, ăn nghỉ của người Việt Nam lâu nay, thì việc ra quy định cấm nhân viên ngủ trưa của lãnh đạo tập đoàn FPT là hơi áp đặt. Họ chỉ nhìn thấy cái hay là người nước ngoài không ngủ trưa và làm việc có hiệu quả mà chưa thấy được đằng sau đó là cả một nền văn hóa, một tập tục thói quen rất khác với người Việt Nam.

Do vậy, trước khi muốn “cấm nhân viên ngủ trưa” thì lãnh đạo tập đoàn FPT cần phải nghiên cứu kỹ xem phía sau một hiện tượng như hiện tượng “ngủ trưa” là cái gì. Muốn theo Tây thì phải theo cho trọn, chứ không thể theo nửa vời. Muốn cấm nhân viên ngủ trưa thì anh cũng phải thay đổi thời gian làm việc giống tây – không phải bắt đầu đến công sở lúc 7 – 8 giờ mà là 9 – 10 giờ.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội