Năm nay, thủy đậu "ghé thăm" sớm

Dù thủy đậu mới vào mùa nhưng số trẻ mắc phải bệnh này đã bằng lúc cao điểm nhất của mùa thủy đậu năm trước (Ảnh minh họa)

Chăm sóc trẻ mắc thủy đậu như thế nào?

TP.HCM: Nhiều ca thủy đậu biến chứng nặng

2 bệnh nhi nguy kịch vì nhiễm thủy đậu lây từ mẹ

TP.HCM: Xuất hiện ổ dịch thủy đậu

Mắc thủy đậu: Không thể chủ quan

BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, khoảng hai tuần nay, số trẻ nhập viện do mắc bệnh thủy đậu bắt đầu tăng. 

Hiện trung bình mỗi ngày có 5 - 6 trẻ nằm điều trị, trong khi những tháng trước đó không có ca nào. So với những năm trước, năm nay bệnh thủy đậu vào mùa sớm hơn (các năm xuất hiện nhiều từ tháng 3 đến tháng 5). “Dự báo trong thời gian tới nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, bệnh thủy đậu sẽ tăng mạnh”, BS. Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Theo BS. Nguyễn Thị Thu Trang – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải visurs từ những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi… nhất là trẻ em, do đó bệnh dễ lây lan trong cộng đồng. Một số cách lây nhiễm khác có thể xảy ra nếu người dân không cẩn thận khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu như: Bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp đặc biệt là trẻ em có thể không có triệu chứng báo động… Sau đó cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 - 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày.

Cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ” khi bị thủy đậu

Lưu ý: Tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.

Vì là bệnh lây lan nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh nhiễm trùng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch.

Hiện tại biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu là tiêm vaccine. Tuy nhiên, BS. Khanh cho hay, nếu số ca thủy đậu tăng mạnh, nhiều người dân sẽ hoang mang, lo lắng, dẫn đến tình trạng đổ xô đi tiêm ngừa, vô hình chung tạo môi trường cho virus gây thủy đậu dễ lây lan bởi các bậc phụ huynh thường đưa trẻ đi tiêm ngừa khi xung quanh có nhiều trẻ bệnh. Hơn nữa, tiêm ngừa vào thời điểm này khả năng phòng bệnh ít hơn vì có thể trẻ đã tiếp xúc với virus gây bệnh trước đó. Vì vậy bác sỹ khuyên trong thời gian này người dân cần phòng ngừa thụ động bằng cách cho trẻ cách ly tại nhà và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để củng cố hệ thống miễn dịch của trẻ. 

Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm một liều vaccine và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất sau 6 tuần hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm ngừa. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn