Nghệ nhân làng Tranh Khúc tiết lộ bí quyết chọn bánh chưng ngon dịp Tết

Cả gia đình "xắn tay" vào để làm bánh chưng dịp Tết

Video: Cách gói bánh chưng không dùng khuôn, đơn giản mà đẹp

Tuyệt chiêu luộc bánh chưng xanh mướt không cần hóa chất

Cách bảo quản bánh chưng ngày Tết

Mẹo nhỏ chọn mua bánh chưng ngày Tết

Hối hả vào vụ Tết

Về đến đầu làng Tranh Khúc trong những này cuối năm này, chúng tôi đã cảm nhận mùi thơm rất đặc trưng của những nồi luộc bánh chưng trong làng. Trước của các hộ gia đình trong làng lúc nào cũng thấy những bó lá dong to được xếp gọn.

Bà Lý Thị Thiệp - Trưởng thôn Tranh Khúc cho biết, cả làng Tranh Khúc có gần 300 hộ thì có tới 215 hộ sản xuất bánh chưng với số lao động tham gia khoảng trên 1.000 người, chiếm 50% lao động của làng. Đây là nghề truyền thống lâu đời của làng, nếu ngày thường mỗi nhà chỉ làm tầm 100 chiếc theo đơn đặt thì dịp gần Tết như bây giờ có nhà làm tới 3.000 chiếc/ngày.

Ô tô chở lá dong đến những hộ sản xuất bánh chưng

Lân la hỏi chuyện bánh chưng, rất nhiều chủ hộ tưởng chúng tôi là lao động đến xin làm thêm mấy ngày Tết. "Dịp giáp Tết này, nhiều người ở làng khác sang đây xin làm thêm kiếm thêm thu nhập lắm, công việc chính là chùi rửa, cắt và xếp lá dong thôi", một chủ hộ làm bánh chưng chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, chị Lan Hương (chủ hộ gói bánh chưng tại Tranh Khúc) cho biết, nghề làm bánh của làng Tranh Khúc có từ lâu lắm rồi. Từ trước đời ông bà, bố mẹ chị, người dân đã làm bánh chưng rồi. Trước đây, người làng luộc bánh bằng than, củi, còn bây giờ chuyển sang luộc bằng nồi điện và hơi nước để đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường.

Chị Lan Hương đang làm nhân bánh chưng để kịp cho người nhà gói bánh

Để đáp ứng kịp các đơn đặt hàng, gia đình chị Lan Hương đã đầu tư bộ nồi điện "chuyên dụng" luộc bánh bằng hơi và thiết bị hút chân không với chi phỉ cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, vào những ngày cao điểm như dịp giáp Tết này, gia đình chị phải thuê thêm khoảng 10 nhân công thời vụ để kịp tiến độ. Dịp Tết này, phần lớn khách hàng là các cửa hàng trong nội thành đặt mua để bán lẻ cho khách. Giá bánh khoảng 30 - 70.000 đồng/cái, tùy loại to, nhỏ, chất lượng bánh.

"Năm nay giá nguyên liệu như gạo, thịt, đậu xanh... đều tăng ít nhiều, nhưng nhà chị đổ buôn nên giá bánh vẫn như mọi năm. Làm nghề này gọi là lấy công làm lãi, chỉ được cái thoải mái giờ giấc,  muốn nghỉ lúc nào thì nghỉ thôi", chị Hương vừa làm nhân bánh vừa nói.

Ở Tranh Khúc, dường như ai cũng biết gói bánh chưng. Trẻ con lên 8 tuổi đã biết phụ giúp gia đình cắt, rửa và xếp lá dong. Thanh niên 15 - 16 tuổi đã gói bánh chưng thành thạo. Người làng Tranh Khúc gói bánh bằng tay, nhưng chắc chắn, vuông vắn, sắc cạnh và đều tăm tắp. Đặc biệt là gói rất nhanh, người quen việc có thể gói từ 200 - 300chiếc/ngày.

Bí quyết để có những chiếc bánh chưng ngon

Ông Nguyễn Văn Bảy, người đã có thâm niên gói bánh chưng hơn 60 năm nay tại làng Tranh Khúc cho biết, bí quyết làm bánh chưng của làng không có gì đặc biệt. Để bánh chưng ngon, việc chọn nguyên liệu là rất quan trọng. Gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng, nếp nhung; Đậu xanh phải hạt to, chắc mẩy; Lá dong bánh tẻ, xanh mướt; Thịt lợn nuôi bằng bỗng rượu, thơm và lựa phần có mỡ, có nạc; Gia vị là nước mắm cốt truyền thống và hạt tiêu.

Dịp giáp Tết, mỗi hộ làng Tranh Khúc có thể gói tới 3.000 chiếc bánh chưng/ngày

Khi luộc phải đủ giờ, đủ nước bánh mới chín đều, nguyên liệu ngấm vào nhau tạo thành vị ngọt, bùi, ngậy... và bí quyết lớn nhất để bánh chưng làng Tranh Khúc được ưa chuộng từ hàng chục năm nay là sạch, đậm hương vị, sắc xanh truyền thống… Hiện nay, bánh chưng làng Tranh Khúc đều sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, do bạn hàng lâu năm cung cấp.

Hằng năm, các đoàn thanh tra vệ sinh thực phẩm của huyện và thành phố đều tổ chức các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân làng nghề, đồng thời triển khai các hoạt động kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất bánh và đến giờ vẫn chưa cơ sở sản xuất bánh chưng nào trong làng bị xử lý.

Năm 2011, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Đến nay, UBND huyện Thanh Trì cũng đã hỗ trợ các gia đình chi phí mua lò hơi, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm bằng hệ thống bao bì in mã số, mã vạch, ép chân không… Chính quyền xã cũng đã xây dựng đề án phát triển làng nghề Tranh Khúc gắn với an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, kết hợp du lịch.
Trần Ngọc H+ (Ảnh: Nguyễn Hiệp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội