Ngoáy tai - Thói quen xấu làm hại đôi tai


Những vật nhọn khi đưa vào tai có thể gây thủng màng nhĩ

Cơ chế tự làm sạch

Theo BS.CKII Nguyễn Thành Lợi, Trưởng khoa Tai, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, mọi người thường thích ngoáy tai cho đã ngứa. Nhưng thực tế khi ngoáy sẽ kích thích tai ngứa nhiều hơn và làm ống tai bị tổn thương. Không giống như hầu hết các bộ phận khác của cơ thể, đôi tai không cần phải được làm sạch. Tai là một cơ quan có thể tự làm sạch, vì vậy nó sẽ chăm sóc chính mình. Ngoài tăm bông, người ta đưa tất cả mọi thứ vào trong để làm sạch tai như tóc, chìa khóa, kẹp giấy, bút mực và bút chì. Tất cả những thứ đó đều có khả năng làm tổn thương nghiêm trọng đến đôi tai. Những bụi bẩn, vi trùng thay vì được thải ra ngoài, khi ngoáy sẽ đẩy vi trùng vào sâu bên trong, cộng với sự tổn thương sẽ làm vi trùng dễ xâm nhập.

Tổn thương do lấy ráy tai có nhiều dạng như làm mất cấu trúc sinh lý bình thường là bảo vệ ống tai ngoài, rụng lông, trầy xước, da bị nhiễm trùng. Thậm chí có những vật nhọn làm thủng màng nhĩ, vi trùng xâm nhập gây viêm tai giữa, chảy mủ tai suốt đời để lại di chứng điếc, lâu ngày ảnh hưởng đến viêm tai xương chũm, gây biến chứng liệt thần kinh mặt, viêm màng não, não... thậm chí tử vong.

Ráy tai không xấu


Ráy tai là chất tiết tự nhiên do tuyến ráy tai của lớp da phủ trên phần sụn của ống tai ngoài tiết ra. Ráy tai cùng với hệ thống lông tơ ở cửa tai bắt giữ những phần tử (bụi bặm, côn trùng, vi khuẩn, vi nấm) xâm nhập và trục xuất chúng ra ngoài.


Ráy tai giúp bảo vệ phần bên trong tai nhờ đặc tính kháng khuẩn

Mọi người cảm thấy hợp lý khi sử dụng tăm bông để lôi ráy tai ra ngoài, bởi vì họ nghĩ rằng đó là chất bẩn. Thực sự ráy tai rất tốt vì nó giúp bảo vệ phần bên trong tai, nhờ đặc tính kháng khuẩn và giúp nước trượt ra khỏi ống tai một cách dễ dàng.

Ngoáy tai thường xuyên sẽ làm mất đi lớp ráy bảo vệ, thậm chí làm trầy xước da, dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm. Hơn nữa, nếu ngoáy tai không đúng cách sẽ đẩy ráy tai vào sâu bên trong gây cản trở hoặc bít tắc ống tai, thậm chí sẽ dẫn tới các hậu quả nguy hiểm như thủng màng nhĩ, chảy mủ, mất thính lực...

Các bác sỹ chuyên khoa cho biết, ráy tai tự thoát ra bên ngoài cùng với vi khuẩn và tế bào da chết. Mỗi khi bạn tắm, nước làm ráy tay bong ra một ít, giúp nó thoát ra ngoài. Thậm chí khi bạn nói chuyện, nhai hoặc di chuyển hàm cũng là một cách khiến ráy tai bong ra. Trong một số trường hợp, một người có quá nhiều ráy tai sẽ ảnh hưởng đến thính giác và làm cho họ đau đớn. Điều này dễ dàng giải quyết bằng việc đến gặp bác sỹ tai mũi họng để bác sỹ lấy ráy tai của bạn ra một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Màng nhĩ là một màng mỏng cực kỳ tinh vi ở phần cuối của ống tai. Khi hăng hái ngoáy, bạn có nguy cơ vô tình đâm vào màng nhĩ và làm thủng nó. Màng nhĩ có thể thủng với áp lực nhỏ của một que bông gòn, gây cho bạn rất nhiều đau đớn và thậm chí mất thính giác. Màng nhĩ bị thủng cuối cùng cũng lành lại, nhưng phải mất thời gian và gây cho bạn rất nhiều đau đớn.
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tai mũi họng