Cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Trung thu ở Việt Nam

Đèn ông sao - món đồ chơi Trung thu cổ truyền của người Việt Nam.

Ăn bánh trung thu như thế nào để bảo vệ sức khỏe?

Giữa "ma trận" bánh trung thu, làm sao chọn được hàng chất lượng?

Làm bánh trung thu “healthy” từ bí đỏ

Bánh Trung Thu vị chocolate nhân kẹo hạt dẻ

Nguồn gốc Tết Trung thu

Có thể nhiều người vẫn cho rằng Tết Trung thu tại Việt Nam du nhập từ Trung Quốc. Nhưng thực tế không phải vậy, khi tìm hiểu về những giai thoại và nguồn gốc về Tết Trung thu, các nhà nghiên cứu đã xác định có sự khác biệt giữa hai quốc gia.

Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Về nguồn gốc của Tết Trung thu, sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), của tác giả Bùi Xuân Đính ghi: Ở Việt Nam theo tài liệu ghi lại, tết Trung thu là ngày vua Lý tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no, hạnh phúc.

Tết Trung thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi.

Đối với người Việt, đêm rằm tháng 8, đêm rằm Trung thu mọi người vừa ăn cỗ vừa kể chuyện về trăng. Trăng là Thái Âm, là nơi mát lạnh với nhiều điều tốt đẹp, theo sự tích dân gian còn có thỏ ngọc, cây đa, chú Cuội, chị Hằng.

Như vậy, Tết Trung thu tại Việt Nam là ngày tết cổ truyền có nguồn gốc lâu đời.

Ý nghĩa Tết Trung thu

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng Trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng Trung thu gồm bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác.

Đây là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau phá cỗ, giúp tình cảm gia đình thêm khăng khít, gắn bó. Cũng trong dịp này, mọi người mua bánh Trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.

Bánh dẻo, bánh nướng và bưởi là những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Trung thu

Bánh dẻo, bánh nướng và bưởi là những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Trung thu

Mặc dù, Tết Trung thu ngày nay đã có ít nhiều thay đổi so với phong tục người Việt xưa. Thế nhưng, cứ mỗi dịp tháng 8 âm lịch hàng năm, các gia đình đều cố gắng sắm sửa một mâm cỗ trông trăng đủ đầy, mua quà cho trẻ nhỏ. Chợ hay những gian hàng bán đồ chơi, đồ trang trí vì thế luôn đông vui tấp nập.

Tại Hà Nội, mỗi khi dịp Tết Trung thu, người ta thường nhắc ngay đến phố Hàng Mã. Con phố chỉ dài khoảng hơn 300m này luôn là nơi nhộn nhịp, sầm uất nhất, thu hút cả người lớn lẫn trẻ em đến tận hưởng không khí ngày Tết Trung thu truyền thống.

Bên cạnh đó, lễ hội rước đèn trong ngày Tết Trung thu vẫn được bảo tồn và trân trọng. Tại Tuyên Quang, hàng năm vẫn tổ chức lễ hội rước đèn rất lớn, huy động hoàn toàn sự sáng tạo của người dân, từng làng từng xóm. Lễ hội này chưa bị thương mại hóa và vẫn là giá trị truyền thống đầy ý nghĩa được bảo tồn và phát huy ở các địa phương trong tỉnh.

Ngoài ý nghĩa là ngày tết đoàn viên, sum họp gia đình, là ngày vui cho trẻ em cũng như cả người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người dân ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận số quốc gia. Người xưa truyền lại rằng nếu trăng Thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng Thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng có màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Video người dân đi chơi Tết Trung thu sớm trên phố Hàng Mã:

 
Nhóm PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa