Nhiều bệnh viện chưa đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng các bệnh viện cần chú trọng công tác dinh dưỡng. Ảnh: Xuân Ngọc

​Coi trọng dinh dưỡng để phòng và trị bệnh

Nguyên tắc ăn "1 phần 4" cho bà bầu đái tháo đường thai kỳ

Rau mầm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng hơn?

Suy nghĩ sai phổ biến về chế độ dinh dưỡng bệnh đái tháo đường

Ngày 15/11, hội thảo “Nâng cao năng lực hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện khu vực miền Trung và Tây Nguyên” được tổ chức tại Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên với sự tham gia của gần 200 khách mời cùng 34 đơn vị trong lĩnh vực y tế, dinh dưỡng tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nhật Bản.
Hội thảo hướng đến việc đào tạo, nghiên cứu các chính sách liên quan, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh, do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên, Viện Dinh dưỡng, Tập đoàn Ajinomoto và Hội dinh dưỡng Nhật Bản phối hợp thực hiện.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển hệ thống dinh dưỡng cũng như kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, đa số trường đại học, cao đẳng y tế tại Việt Nam còn thiếu khoa đào tạo. Trong khi đó, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong cả phòng ngừa và điều trị bệnh, nhất là đối với những bệnh bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ dinh dưỡng như nội tiết, tim mạch...
Hội thảo Hướng đến việc đào tạo, nghiên cứu các chính sách liên quan, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh, do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế và Hội Dinh dưỡng Nhật Bản phối hợp tổ chức
 Các chuyên gia cho rằng, bệnh nhân ngay khi nhập viện cần được sàng lọc dinh dưỡng hoặc nguy cơ dinh dưỡng để đưa ra quy trình chăm sóc phù hợp. Để làm được điều này, các đơn vị cần có cán bộ được đào tạo chuyên sâu để có kế hoạch, quy trình chăm sóc thích hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến đánh giá, dinh dưỡng lâm sàng là khâu quan trọng trong điều trị cho người bệnh và thực tế nhiều người rơi vào tình trạng bệnh lý khởi phát từ việc ăn uống chưa hợp lý.
Cuối năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành thông tư, yêu cầu các bệnh viện phải có khoa dinh dưỡng, song việc thực hiện theo thông tư này tại các đơn vị chưa nghiêm túc. "Ngoài theo dõi công tác khám chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ siết chặt, tăng cường kiểm tra để có biện pháp chế tài, xử lý nghiêm đối với những bệnh viện lơ là, chưa chú trọng công tác dinh dưỡng trong khám chữa bệnh", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến khẳng định và cho biết, người hành nghề y phải xem vấn đề tiết chế dinh dưỡng là công tác chữa bệnh. 
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế nhìn nhận, nhiều đợt khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, nhiều bệnh viện tại Việt Nam phần lớn chưa đạt 5 tiêu chí về hoạt động dinh dưỡng.
Theo khảo sát, 78,6% bệnh viện chưa đạt mức tối thiểu về thiết lập hệ thống tổ chức để thực hiện công tác dinh dưỡng, 61,3% bệnh viện chưa bảo đảm cơ sở vật chất để thực hiện công tác dinh dưỡng, 74% bệnh viện chưa cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý người bệnh…
Điều cần chú trọng là không chỉ khám, điều trị bệnh mà phải đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn để làm việc ở các bệnh viện. "Ngoài tuân thủ chỉ định điều trị của bác sỹ, thì việc cung cấp dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp bệnh nhân sớm bình phục", Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhận định. Các trường đại học, cao đẳng y tế nên sớm triển khai chương trình đào tạo để phục vụ nguồn nhân lực. Hiện nay, tại Việt Nam, chương trình đào tạo cử nhân dinh dưỡng chỉ mới được triển khai tại Đại học Y Hà Nội.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn