Nhiều chiêu rút ruột bảo hiểm y tế

Theo ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN, ở Hải Phòng, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vụ tham nhũng tiền quỹ tại hai phòng khám đa khoa Nguyễn Bỉnh Khiêm và Quang Thanh, nhưng sơ bộ chiêu rút ruột quỹ thường thấy là... tự tạo ra người bệnh. Theo đó, phòng khám có “dụng cụ” chuyên dùng scan chữ ký cũ của người bệnh vào một tấm mica, nhân viên y tế chỉ việc tô chữ ký ấy lên các bệnh án và đề nghị thanh toán với quỹ bảo hiểm. Hình thức giả mạo người bệnh tinh vi đến mức Bảo hiểm xã hội Hải Phòng vào kiểm tra hai phòng khám này trong bốn ngày mà... không phát hiện được gì. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi có cơ quan công an vào cuộc cuối tháng 5 vừa qua.


Ông Phạm Lương Sơn còn cho biết 77% thuốc sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang là thuốc ngoại, thuốc nội chỉ đạt 23%, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ tiêu dùng thuốc nội tại bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc. Bệnh viện này cũng triển khai dịch vụ nong và đặt stent động mạch vành và động mạch ngoại biên khi chưa được cấp phép, nhưng vẫn thu khoảng 1,6 tỉ đồng, sử dụng vật tư thay thế ở các kỹ thuật cao chưa được cấp phép trên 5,2 tỉ đồng, dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục trên 7,3 tỉ đồng... Đặc biệt là có đến 200 “bệnh nhân” không hề có hồ sơ bệnh án, nhưng lại có phiếu đề nghị thanh toán chi phí với bảo hiểm tổng cộng trên 300 triệu đồng!

“Đáng nể” hơn cả là ở tỉnh Nam Định còn có tình trạng lợi dụng cả ba trẻ em đã qua đời để rút ruột quỹ. Dù tiền rút ruột được từ quỹ của ba hồ sơ này chỉ trên 1 triệu đồng đến trên 2 triệu đồng/bệnh án, nhưng nó thể hiện sự táng tận lương tâm của một số người được gọi là lương y.

Các tỉnh thành Quảng Ninh, Bình Dương, Cần Thơ... đều có tình trạng gia tăng chỉ định kỹ thuật, dịch vụ không cần thiết, làm sai quy chế chuyên môn, thống kê không đúng về số dịch vụ y tế sử dụng cho người bệnh...

Ông Phạm Lương Sơn cho rằng nhiều giám định viên được phân công phụ trách tới bảy bệnh viện, quá tải công việc. Trình độ chuyên môn của các giám định viên cũng rất là “trời ơi”, vì khó tuyển dụng bác sĩ/dược sĩ làm giám định viên, còn người học ngành nghề khác lại không đủ kiến thức để làm giám định. Vòng luẩn quẩn ấy khiến quỹ bảo hiểm y tế thất thoát không nhỏ. Năm 2012-2013, riêng thành phố Cần Thơ bội chi quỹ bảo hiểm y tế trên 150 tỉ đồng, một phần do giám định viên chỉ kiểm tra thủ tục hành chính, xác định đúng số liệu, còn đánh giá về điều trị thì rất hạn chế nên không kịp thời phát hiện sai sót chỉ định chẩn đoán, điều trị.

Qua báo cáo sơ bộ của Bảo hiểm xã hội VN gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gần đây, riêng hai bệnh viện của tỉnh Kiên Giang sai sót phát hiện được năm 2013 khoảng hơn 15 tỉ đồng, thành phố Hải Phòng mới có hai phòng khám phát hiện nêu trên đã gây tổn thất cả chục tỉ đồng.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý