Các loại thực phẩm chức năng được bày bán trong một nhà thuốc tự chọn (Ảnh: Internet)
Tọa đàm “Thị trường thuốc và thực phẩm chức năng: Minh bạch để phát triển”
Xử lý nhiều nhà thuốc hành nghề không phép
Giám sát chặt các phòng khám, nhà thuốc tư nhân
Thuốc giả vào nhà thuốc bệnh viện
Thị trường thuốc và thực phẩm chức năng đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, thực trạng quản lý, phân phối còn nhiều hạn chế đã dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp nhỏ “lách luật” vì mục đích lợi nhuận, gây khó khăn, bất cập cho những doanh nghiệp chân chính.
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến “Thị trường thuốc và thực phẩm chức năng: Minh bạch để phát triển” diễn ra tại Hà Nội ngày 31/8, bà Lê Thị Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Bình cho biết: “Công ty mong muốn phát triển bền vững và đã thực hiện đúng chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng bị vướng mắc với các doanh nghiệp nhỏ.”
Theo bà Lê Thị Bình, các doanh nghiệp chân chính luôn cố gắng giữ giá cả sản phẩm thấp nhất cho người tiêu dùng, vì vậy phần trăm chi trả cho các nhà thuốc không quá cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ, thường "chơi" kiểu ăn xổi, làm hàng cắt lô, chất lượng kém nên giá thành thấp và sẵn sàng chia tới mấy chục phần trăm hoa hồng cho các nhà thuốc. Do đó, các nhà thuốc thường ưu tiên nhập sản phẩm từ các doanh nghiệp nhỏ, kéo theo hệ lụy là các nhà thuốc chỉ tư vấn cho người dùng những sản phẩm được chiết khấu hoa hồng cao mà không quan tâm hoặc cũng không nắm rõ về chất lượng thực sự của sản phẩm. Người tiêu dùng, đôi khi ham rẻ, mua sản phẩm chất lượng không cao, thậm chí không đúng mục tiêu phòng ngừa, điều trị của mình nên sử dụng không hiệu quả, lại "đổ lỗi" cho thực phẩm chức năng.
Ngoài ra, những “kẽ hở” trong công tác quản lý cũng đang được các doanh nghiệp nhỏ tận dụng. Bằng cách lợi dụng việc quảng cáo qua mạng thông tin, xã hội, nhiều doanh nghiệp nhỏ đang tránh sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng. Những quảng cáo thổi phồng sự thật như “thực phẩm chức năng điều trị được nhiều bệnh” vẫn đang được nhiều doanh nghiệp nhỏ sử dụng tràn lan trên mạng xã hội hoặc các hình thức quảng cáo online, gây nhiễu loạn thông tin, khiến cho người tiêu dùng khó chọn được sản phẩm phù hợp.
Để giải quyết vấn đề này, TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết: "Chúng tôi sẽ có phân công người rà soát hàng ngày các sản phẩm đăng giới thiệu trên mạng, nếu quảng cáo sai sự thật sẽ tới làm việc với các doanh nghiệp. Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý trên các trang mạng. Việc siết chặt quảng cáo của các doanh nghiệp trên những mạng thông tin, xã hội là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng".
Một vấn đề quan trọng nữa cũng được cả các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp đặt ra là cần nhanh chóng có những tiêu chuẩn kỹ thuật để quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng. Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco thì cho rằng: "Hạn chế của cơ quan chức năng là lực lượng mỏng nên quan lý chưa chặt, còn trông chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp. Cho nên để hạn chế được điều này, doanh nghiệp chúng ta phải hướng tới sự minh bạch, còn các cơ quan chức năng nên xây dựng thể chế luật pháp chặt chẽ hơn." Những tiêu chuẩn trong quản lý sẽ là cơ sở xây dựng sự bình đẳng cho các doanh nghiệp lớn cũng như các doanh nghiệp nhỏ, cũng là chiếc "phanh" để các doanh nghiệp nhỏ hết đường dùng "chiêu bài" để "chơi xấu", khiến thị trường TPCN càng thêm phần rối loạn và phần thiệt cuối cùng lại thuộc về người tiêu dùng, người bệnh.
Bình luận của bạn