Khung cảnh bên trong chùa Địa Tạng Phi Lai, Hà Nam.
Du lịch hoài niệm - Xu hướng mới trong năm 2025
48h chữa lành tại Tà Xùa
Hội chứng buồn bã hậu du lịch: Làm thế nào để vượt qua?
Sì Thâu Chải: Chốn bình yên giữa đại ngàn hùng vĩ
Hà Nam sở hữu khí hậu điển hình của vùng đồng bằng sông Hồng, với mùa hè oi nóng, ẩm ướt và mùa đông se lạnh. Khách du lịch có thể đến thăm Hà Nam vào bất kỳ mùa nào trong năm. Tuy nhiên, để tránh cái nóng bức của mùa Hè, thời điểm lý tưởng nhất cho chuyến du lịch tâm linh là vào mùa Xuân hoặc mùa Đông, từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, đây là thời điểm nơi đây nhộn nhịp với nhiều lễ hội truyền thống.
1. Chùa Địa Tạng Phi Lai
Chùa còn có những tên gọi khác như Phi Lai Địa Tạng hay chùa Đùng. Tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ, lưng tựa vào núi, hai bên là tả thanh long, hữu bạch hổ, chùa như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp giữa thiên nhiên hữu tình. Không gian bên trong chùa rộng rãi, thoáng đãng với những con đường lát sỏi trắng tinh khôi, tạo cảm giác thanh tịnh, yên bình.
Điểm nhấn độc đáo của chùa là khu vực Tổ đường với 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi trắng tinh khôi, tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Ngay giữa vòng tròn là tấm biển khắc câu: “Khổ hải (biển khổ) vì là biển nên xin hãy đi lên bờ”, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mọi người nên đi men theo hàng đá trên nền sỏi.
Địa chỉ: Thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Giờ mở cửa: từ 6 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút tất cả các ngày trong tuần.
2. Chùa Bà Đanh
“Vắng như chùa Bà Đanh” là một câu nói dân gian truyền miệng không ai là không biết. Tuy nhiên, trong khi nhiều người đang nghĩ đây chỉ là một địa danh hư cấu, được gắn cùng câu nói cho có vần điệu, thì chùa Bà Đanh vẫn nằm ở đó như một chốn tu thân tách biệt với thế giới nhộn nhịp ngoài kia.
Chùa có diện tích rộng khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất Việt Nam. Khuôn viên chùa là một tổng thiể gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ khác nhau. Bên cạnh việc thờ Phật, chùa còn dành một vị trí trang trọng cho các vị thần như Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân, cùng hệ thống tín ngưỡng Tứ Phủ đặc trưng.
Theo tư liệu lịch sử, ngôi chùa này được cho là đã có từ thế kỷ thứ VII, ban đầu chỉ là một ngôi đền nhỏ thờ tứ pháp. Đến thời Lê Huy Tông, chùa được trùng tu và mở rộng quy mô, trở thành một công trình kiến trúc đồ sộ và uy nghiêm hơn. Qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Bà Đanh vẫn giữ được những nét đẹp kiến trúc cổ kính và giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Năm 1994, chùa được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, khẳng định vị thế của ngôi chùa trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam. Những năm gần đây, chùa đã được trùng tu và nâng cấp, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.
Địa chỉ: Thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Giờ mở cửa: Từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày.
3. Chùa Tam Chúc
Cách chùa Bà Đanh không xa, chùa Tam Chúc nằm trong quần thế khu du lịch Tam chúc hiện đang là ngôi chùa lớn nhất thế giới. Với kiến trúc đồ sộ, tinh xảo và không gian thanh tịnh, ngôi chùa này không chỉ là một địa điểm tâm linh mà còn là một kiệt tác kiến trúc, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Khi đến với Tam Chúc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo như cổng tam quan uy nghi, vườn cột kinh kỳ vĩ, và các điện thờ nguy nga. Đặc biệt, ba điện chính: Tam Thế, Pháp Chủ và Quan Âm, với những pho tượng Phật bằng đồng khổng lồ và hệ thống phù điêu tinh xảo, sẽ khiến du khách không khỏi trầm trồ.
Lưu ý, quần thể du lịch tâm linh Tam Chúc sở hữu quy mô đồ sộ vì vậy đòi hỏi du khách nên nghiên cứu kỹ bản đồ chi tiết trước chuyến đi để tiết kiệm thời gian và trải nghiệm trọn vẹn hơn. Trong những dịp lễ hội, khi lượng du khách đổ về đông đảo, xe ôm được xem là phương tiện di chuyển linh hoạt và thuận tiện nhất. Các phương tiện công cộng như thuyền hay xe điện thường phải đối mặt với tình trạng quá tải, gây mất nhiều thời gian chờ đợi.
Địa chỉ: Thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Giờ mở cửa: 6 giờ 30 phút đến 21 giờ tất cả các ngày trong tuần.
4. Di tích lịch sử cấp quốc gia Mộ và Khu tưởng niệm Nhà văn Nam Cao
Nhà văn, Liệt sĩ Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ra và lớn lên tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân, huyện Nam Xang (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Các tác phẩm của ông chính là đại diện tiêu biểu của văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Ông đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn học dân tộc, đặc biệt là thể loại truyện ngắn. Những tác phẩm của ông như "Sống mòn", "Đời thừa", "Chí Phèo", "Lão Hạc", "Một bữa no",... không chỉ phản ánh chân thực cuộc sống xã hội đương thời mà còn đi sâu vào tâm lý nhân vật, khám phá những góc khuất của con người.
Khu lưu niệm nhà văn Nam Cao là một không gian thiêng liêng, nơi gìn giữ những dấu ấn sâu đậm về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ngôi nhà tưởng niệm hiện nay được xây dựng trên chính mảnh đất quê hương, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và ngòi bút của nhà văn tài hoa. Cụ thể hơn, công trình này được đặt tại vị trí của ngôi nhà hai cụ Trùm San và Trùm Luông – những nguyên mẫu sống động mà Nam Cao đã gửi gắm vào nhân vật Lão Hạc bất hủ.
Địa chỉ: Xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Giờ mở cửa: Các ngày trong tuần
5. Đền Trần Thương
Đền Trần Thương, là một công trình kiến trúc cổ kính, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa dân tộc. Ngôi đền được xây dựng để thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, cùng với gia quyến và các tướng lĩnh trung thành. Với kiến trúc độc đáo, đền Trần Thương không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn là một tác phẩm nghệ thuật giá trị, phản ánh tài năng và sự sáng tạo của người Việt xưa.
Lễ hội đền Trần Thương được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng và 20 tháng Tám âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham dự. Các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như lễ rước nước, thi bơi chải trên sông... đã tạo nên một không khí lễ hội náo nhiệt, đậm đà bản sắc dân tộc. Đến với đền Trần Thương, du khách không chỉ được tham quan một di tích lịch sử văn hóa quý báu mà còn có cơ hội trải nghiệm những nét đẹp truyền thống của người Việt.
Địa chỉ: Nghĩa trang nhân dân thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Giờ mở cửa: Tất cả các ngày trong tuần
6. Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn
Ngôi đền cổ kính được kiến tạo từ gỗ lim quý hiếm, tọa lạc giữa một không gian xanh mát, rợp bóng trúc ngàn năm. Màu xanh trầm của trúc hòa quyện cùng sắc nâu trầm của mái ngói cổ kính, điểm xuyết những mảng tường rêu phong, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hài hòa, đậm chất cổ xưa.
Xưa kia, nơi đây từng là một khu rừng trúc bạt ngàn, trải dài mênh mông. Dù thời gian đã làm thay đổi nhiều, dấu tích của rừng trúc ngàn xưa vẫn còn in đậm trong từng ngọn gió, từng chiếc lá. Đền Trúc không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn là một địa điểm tâm linh linh thiêng, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, lễ bái và thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ trầm bổng, hào hùng, nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của vị tướng tài ba Lý Thường Kiệt.
Địa chỉ: xã Quyển Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Giờ mở cửa: Các ngày trong tuần.
Bình luận của bạn