Hội chứng buồn bã hậu du lịch: Làm thế nào để vượt qua?

Hội chứng buồn bã hậu du lịch ngày càng phổ biến khi nhu cầu du lịch tăng cao

Khi buồn bã, ăn gì để cảm thấy vui vẻ, khỏe mạnh hơn?

Hay cáu gắt hoặc buồn bã có phải là dấu hiệu của trầm cảm?

Chán nản, buồn bã: Ăn ngay 6 thực phẩm cải thiện tâm trạng này

Dấu hiệu cho thấy bạn bị trầm cảm nặng

Trên trang web Reddit, một người dùng cho biết vừa trải qua một kỳ nghỉ kéo dài 7 ngày đầy ngọt ngào ở Paris (Pháp). Cô cho biết đã lên kế hoạch cho chuyến đi suốt nửa năm và mọi thứ diễn ra đều hoàn hảo đúng như mong đợi. Nhưng vấn đề đã nảy sinh khi cô về nhà.

"Bây giờ tôi thấy trống rỗng, không ngừng nghĩ về những gì đã xảy ra trước đó. Tôi thấy chán nản khi phải đối diện với cuộc sống bình thường", cô gái trải lòng.

Trên thực tế cô gái không hề đơn độc. Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều du khách đang rơi vào xu hướng này. Khi họ đăng tải những bài viết với nội dung kiểu "trầm cảm sau khi du lịch", nhiều người tưởng rằng đây là một kiểu "khoe khoang ngầm". Tuy nhiên, bà Tamara Cavenett, Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Australia, cho rằng thực sự đây là vấn đề.

"Trầm cảm sau mỗi chuyến nghỉ dưỡng là điều hoàn toàn bình thường", chuyên gia Cavenett cho biết.

Hội chứng buồn bã hậu du lịch là gì?

Buồn bã hậu du lịch là trạng thái bản thân rơi vào cảm xúc chán chường, thỉnh thoảng hay tiếc nuối về những khoảnh khắc đẹp đã có trong chuyến du lịch vừa trải qua. Trên thế giới, nó được gọi là Post-vacation blue hoặc Post-holiday blue, đôi khi là Post-travel depression (tạm dịch: chứng trầm cảm hậu du lịch).

Nguyên do mắc phải hội chứng này đã được nhiều chuyên gia tâm lý học nghiên cứu và kết luận rằng sau khi trở về nhà, nhiều người nhận ra nếp sinh hoạt hằng ngày của họ thường khá nhàm chán, không hấp dẫn bằng những trải nghiệm mà họ đã có được khi đi du lịch, nên sinh ra tâm lý buồn chán. Hội chứng này có thể gây ra những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe như mệt mỏi, chán ăn, thường xuyên cảm thấy nhớ nhung mãnh liệt... Về lâu dài, nếu không sớm cân bằng cảm xúc thì sẽ dễ rơi vào trầm cảm.

Cũng dựa trên các nghiên cứu cho thấy, những chuyến du lịch có thời gian kéo dài trên 3 ngày thường khiến du khách dễ mắc hội chứng này hơn là những kỳ nghỉ ngắn ngày.

Giải pháp để vượt qua hội chứng buồn bã hậu du lịch

 Lập 'kế hoạch đệm' khi quay lại

Chúng ta thường quá tải với một danh sách dài các công việc gia đình ngay khi trở về nhà hoặc lao thẳng vào công việc với tốc độ cực nhanh, điều này càng thể hiện rõ sự tương phản giữa những kỳ nghỉ và thực tế. Thay vào đó, nếu có thể, hãy dành một ngày như "thời gian chuyển đổi" trước khi quay trở lại làm việc và giảm thiểu công việc nhà bằng cách làm những gì bạn có thể làm trước khi đi, như lời khuyên của Tiến sĩ Andrea Bonior, nhà tâm lý học lâm sàng đồng thời là tác giả của cuốn sách "Detox Your Thoughts" (Thanh lọc suy nghĩ của bạn).

"Tôi thường thấy mọi người có một khoảng thời gian thực sự khó khăn sau những kỳ nghỉ, khi nghĩ rằng đêm qua mình vẫn ở trên bãi biển mà giờ đây phải ngồi làm việc ở văn phòng. Thay vào đó, nếu có thể hãy cố gắng lên kế hoạch cho một ngày nghỉ đệm, bạn sẽ có chút thời gian để điều chỉnh lại mọi thứ", nữ tiến sĩ cho biết.

Tiến sĩ Laurie Santos, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Yale và là người dẫn podcast "Phòng thí nghiệm Hạnh phúc" cho biết: “Hãy cho bản thân một khoảng thở. Bạn không cần phải trả lời tất cả các email ngay lập tức. Sau đó, bạn có thể dễ dàng quay trở lại công việc hơn mình nghĩ".

Cố gắng duy trì suy nghĩ về những "cuộc vui mới"

Bạn nên dành cho mình một ngày nghỉ ngơi sau kỳ nghỉ

Bạn nên dành cho mình một ngày nghỉ ngơi sau kỳ nghỉ

Santos nói: “Hãy nhớ rằng kết thúc kỳ nghỉ không có nghĩa là kết thúc cuộc vui. Chúng ta có thể tìm cách để tận hưởng cảm giác du lịch trong chính cuộc sống ở quê nhà như việc thử đến một nhà hàng mới hoặc đi dạo qua một khu phố mới".

Tiến sĩ Tracy Thomas, một nhà tâm lý học và khoa học cảm xúc, nói rằng điều quan trọng là phải xác định điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái khi đi du lịch và cố gắng biến nó thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

"Thật thú vị khi có những điều mọi người sẽ làm trong kỳ nghỉ mà họ dường như không làm ở nhà. Nếu bạn thích được massage, thức dậy để ngắm bình minh hoặc đi dạo quanh một thị trấn khi đi du lịch thì hãy thử làm những điều đó khi bạn trở về nhà".

Thomas cũng gợi ý bạn nên nấu một số món ăn mà bạn đã thưởng thức trong những chuyến đi để tiếp tục trải nghiệm du lịch. 

Thực hành lòng biết ơn

"Hãy dành chút thời gian để tái hiện lại những kỷ niệm du lịch tích cực của bạn", Santos khuyên. Bạn có thể tạo một album, nhật ký hoặc đơn giản là nhắc nhở bản thân về tất cả những trải nghiệm tốt đẹp mà bạn đã may mắn trải nghiệm.

"Bạn có thể đã nghe lời khuyên rằng bạn nên đầu tư vào những trải nghiệm chứ không phải vật chất. Hóa ra một trong những lý do là vì trải nghiệm tạo ra những kỷ niệm đẹp hơn là bất cứ món đồ lưu niệm nào. Chúng ta có thể có được niềm hạnh phúc không chỉ từ việc trải qua một kỳ nghỉ, mà còn cả những ký ức tốt đẹp còn mãi sau đó", Santos nói thêm.

Bên cạnh đó, hãy cố gắng và thực hành lòng biết ơn trong cuộc sống hàng ngày của bạn, Bonior nói.

"Lòng biết ơn thực sự không có nghĩa là bạn phải luôn vui vẻ và cảm thấy may mắn, nó có nghĩa là nhận ra toàn bộ trải nghiệm cuộc sống dù tốt, dù xấu cũng đều là một điều gì đó tuyệt vời với bản thân", cô nói thêm.

Tập thể dục

Tập thể dục giúp bạn cải thiện tâm trạng đáng kể

Tập thể dục giúp bạn cải thiện tâm trạng đáng kể

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để chống lại lo âu và trầm cảm. Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố vào tháng 4 trên tạp chí JAMA Psychiatry, cho thấy những người trưởng thành có các hoạt động tương đương với 1,25 giờ đi bộ nhanh mỗi tuần có nguy cơ trầm cảm thấp hơn 18% so với những người không tập thể dục.

"Tập thể dục không có nghĩa là bạn sẽ không bị trầm cảm nhưng nó giúp giảm bớt nó", Bonior nói và nói thêm rằng không cần phải tập thể dục với cường độ cao mà chỉ cần duy trì nó như một sở thích của bạn.

Ngoài ra, tập thể dục còn giúp cải thiện giấc ngủ, giảm huyết áp, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Vì vậy, nếu cảm thấy việc lau nhà buồn chán sau kỳ nghỉ thì bạn có thể ra ngoài để thay đổi tâm trạng.

Thừa nhận cảm xúc của chính mình

Tâm sự với người khác về trải nghiệm trong chuyến đi hoặc viết nhật ký - điều quan trọng là giữ kết nối với bạn bè cũng như những người thân yêu thay vì lẩn trốn.

"Nghiên cứu cho thấy rằng việc chia sẻ sẽ giúp những cảm xúc xấu trở nên dễ kiểm soát hơn", Bonior giải thích.

Tất nhiên, nếu bạn đang cảm thấy sợ hãi về thói quen hoặc công việc của mình, điều đó có thể báo hiệu nhu cầu thay đổi hoặc đánh giá lại những điều bạn muốn. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý.

Đào Dung (Theo CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp