Đầu xuân, đến Sapa xem lễ hội

Đến Sapa vào mùa xuân, mọi người sẽ có cơ hội tham gia những lễ hội độc đáo của đồng bào nơi đây

Xử lý 11 “cò mồi” khách ở lễ hội chùa Hương

Những nguyên tắc đảm bảo ATTP mùa lễ hội

Những lễ hội độc đáo thu hút nhiều người trên thế giới

11 lễ hội đầu năm không thể bỏ qua ở miền Bắc

Roóng Poọc của người Mông

Theo quan niệm của người Giáy, Roóng Poọc là lễ hội để kết thúc một tháng vui chơi (tháng Tết) và để mở đầu cho năm mới. Trong tư tưởng của người Giáy, đây còn là lễ cúng thần cai quản địa bàn để thần phù hộ cho ngô lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khoẻ mạnh.... Vốn là lễ hội truyền thống của người Giáy ở Tả Van nhưng nhiều năm qua, Roóng Poọc đã được mở rộng và trở thành lễ hội chung cả cả vùng thung lũng Mường Hoa.

Người dân chuẩn bị cây nêu cho ngày hội (Nguồn: Internet)

Địa điểm mở hội là một khu ruộng tương đối bằng phẳng phía đầu bản. Trung tâm hội dựng cây nêu cao vút bằng cây mai có một vòng tròn trên ngọn. Vật cúng là những lễ vật tượng trưng cho sự no ấm như: Vải, trứng, măng, bạc trắng và 6 quả còn của các cô gái chưa chồng. Mở đầu lễ hội là cúng thần linh cầu cho người yên, vật thịnh. Khi lễ cúng kết thúc là dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn pí lè tấu lên thông báo các chò chơi mang tính nghi lễ tượng trưng bắt đầu. 

Gầu Tào - Hội xuân đạp núi của người Mông

Hội Gầu Tào là lễ hội quan trọng của người Mông. Lễ hội mở ra nhằm một trong hai mục đích cầu phúc hoặc cầu mệnh. Lễ hội thường được tổ chức vào một ngày đẹp trong tháng Giêng. Hội xuân Gầu Tào của người dân tộc Mông ở Sapa tổ chức ở xã San Sả Hồ dưới chân núi Phan - Xi - Păng và ở xã Tả Giàng Phình.

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội quan trọng của người Mông (Nguồn: Internet)

Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Tày, Dao

Lễ hội xuống đồng đầu xuân của đồng bào dân tộc Tày, Dao xã Bản Hồ - Sapa (Lào Cai) khai hội sáng ngày mùng 8 Tết hàng năm. Phần lễ được bắt đầu từ tục rước đất, rước nước rồi đến lễ cúng giao linh với thần linh. Phần hội được bắt đầu bằng các điệu múa và các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của người Tày, người Dao. 

Hội xuân hát giao duyên của người Dao đỏ Tả Phìn

Cứ mỗi độ xuân về, bà con dân tộc Dao đỏ các xã Tả Phìn, Sa Pả, Trung Chải lại cùng nhau mở hội hát giao duyên truyền thống. Lễ hội được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng ở xã Tả Phìn. Đây là một trong những lễ hội dân gian độc đáo nhất của đồng bào các dân tộc ít người ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. 

Lễ hội hát giao duyên là lễ hội dân gian độc đáo của người Dao đỏ (Nguồn: Internet)

Hội diễn ra trên bãi đất bằng phẳng ngay cạnh đường cái, nổi bật là cây nêu cao vút làm bằng cây bương già, trên ngọn treo vòng tròn, dán giấy đỏ tượng trưng vầng nhật nguyệt. Mở đầu, thầy mo làm các nghi thức cúng trời đất thông qua các điệu nhảy, bài khấn và cắt tiết gà.

Tiếp đến là màn tái hiện lễ rước dâu của người Dao, hát giao duyên nam nữ bằng những bài ca cổ, chữ nghĩa sâu sắc, giai điệu tình tứ, bộc lộ đời sống văn hóa tinh thần phong phú, bản sắc dân tộc độc đáo của người Dao đỏ ở vùng đất Tả Phìn - Sa Pa. Qua hội hát giao duyên Tả Phìn đầu xuân nhiều nam thanh, nữ tú đã nên vợ nên chồng. Vì thế hát giao duyên của thanh niên dân tộc Dao đỏ là một phần không thể thiếu của hội xuân Tả Phìn mỗi khi năm mới về.

 Lễ quét làng của người Xá Phó

Hàng năm, người Xá Phó thường tổ chức lễ quét làng vào ngày Ngọ, ngày Mùi vào tháng hai âm lịch với mục đích để năm mới mọi người được bình yên, hoa màu tươi tốt, súc vật nuôi không bị ốm chết. Trong lễ quét làng, mọi người góp lợn, gà, dê, chó, gạo… để làm mâm cúng các loài ma (theo quan niệm của người Xá Phó), thầy cúng làm lễ, cùng dân làng vẽ mặt nhảy múa cầu mong bình yên. Cuối buổi lễ, mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ. Các thức ăn cúng ma đều phải ăn hết không được mang vào trong làng.

Gia Hân H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa